Dự án trên được nhóm sinh viên theo học lớp chuyên ngành K14KTTT (kĩ thuật tàu thủy), khoa Cơ khí giao thông ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) với ba sinh viên chủ chốt: Võ Anh Khoa, Trương Văn Bình, Trần Văn Nhật (SN 1996). Mô hình được biết đến với tên gọi: Mô hình phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước.
Sau thời gian thực hiện, nhóm đã dự thi đoạt giải nhì hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường và được chọn triển lãm tại Festival Khoa học công nghệ dành cho sinh viên ĐH Đà Nẵng năm 2019. Dự án được nhận sự quan tâm từ Thành Đoàn Đà Nẵng bởi tính ứng dụng trong thực tiễn.
Nhóm đã tiến hành thử nghiệm tại hồ của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và có kết quả rất khả quan. Máy chạy ổn định, thu được rác thải vô cơ, rác thải hữu cơ, kể cả những vật dụng khó thu gom như túi nylon, chai nhựa cũng được máy xử lí một cách hoàn hảo.
Bạn Võ Anh Khoa, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Cả nhóm đã dành thời gian nghiên cứu, tham khảo rất nhiều ý kiến giảng viên hướng dẫn chuyên môn về kết cấu, thiết bị khác nhau vì là phương tiện thủy bộ nên cần tính toàn rất kĩ các khâu. Nhưng điều quan trọng nhất quyết định sự thành công đó chính là tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường biển của mỗi thành viên trong nhóm cùng những kiến thức tích góp được để bắt đầu hình thành ý tưởng và hiện thực hóa”.
Cận cảnh mô hình thu gom rác thải. Ưu điểm lớn nhất của máy là hoạt động được cả trên cạn lẫn dưới nước.
Máy thu gom rác thải có thể hoạt động linh hoạt trên cạn, bờ biển cũng như trên mặt nước (biển, ao, hồ…). Hệ thống động lực bao gồm bánh xích khi vận hành trên cạn và thiết bị đẩy Water Jet Turbo khi vận hành trên mặt nước. Phần đầu phương tiện có cửa gom rác thải, rác thải được dẫn lên hệ thống băng tải lưới (giúp trả lại nước và cát nhỏ vào môi trường) gắn các móc giúp thu gom rác. Cuối cùng, đưa vào hệ thống xử lí và đưa vào buồng chứa rác. Sau khi đẩy, vì cơ cấu thùng rác rời, công nhân có thể dễ dàng di chuyển và thay thế thùng rác. Tốc độ tối đa của máy có thể lên đến 12km/h và được hoạt động bằng điện, hoạt động 10 giờ liên tục sau một lần sạc.
Sản phẩm dự kiến sẽ hoàn thiện và sản xuất vào cuối tháng 5/2019.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới. Việc thu gom rác thải thủ công không hiệu quả, tốn nhiều thời gian và nguy hiểm cho người làm việc.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều máy thu gom rác thải có khả năng xử lí tốt thế nhưng giá thành lại rất cao.
Nhận thấy sự nguy hiểm khi sử dụng nguồn nước có lẫn rác thải sẽ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, gây mất cảnh quan thẩm mĩ tại các bờ biển, sông hồ, nguy cơ phát sinh các loại bệnh cho người dân. Vì vậy, việc tạo ra phương tiện thu gom rác thải một cách hiệu quả, có độ an toàn cao và dễ vận hành khi sử dụng, vừa có giá thành hợp lí là điều hết sức cần thiết.
Bạn Khoa cho biết thêm, nếu được đầu tư, các linh kiện sẽ được sản xuất theo quy trình công nghệ, ít sai sót, chi phí thấp. Tùy thuộc vào mục đích mà giá thành của sản phẩm sẽ khác nhau. Kích thước của một chiếc máy thu gom rác thải thủy bộ bằng chiếc ô tô bán tải chi phí sẽ vào khoảng 200 - 350 triệu đồng.
Đây là sản phẩm mang nhiều ý nghĩa trong thực tiễn. Nếu được đầu tư sản xuất, máy sẽ cải thiện được chất lượng môi trường bờ biển, mặt nước, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân nhất là thành phố du lịch Đà Nẵng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!