Sôi nổi tọa đàm “Hà Nội – Amsterdam và nhiệm vụ đào tạo tài năng trẻ”

K.Ngân-Thứ sáu, ngày 14/11/2014 10:52 GMT+7

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 13/11, thầy và trò trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tổ chức cuộc tọa đàm “Hà Nội – Amsterdam và nhiệm vụ đào tạo tài năng trẻ”.

Đến dự buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thế hệ học sinh giỏi tiêu biểu của ngôi trường như Phan Phương Đạt – học sinh chuyên Toán khóa 1985 – 1988, huy chương Đồng quốc tế Toán học năm 1987, huy chương Bạc quốc tế Toán học năm 1988; Hồ Thanh Tùng – học sinh chuyên toán khóa 1985 – 1988, huy chương Bạc quốc tế Toán học năm 1988; Trần Quang Hưng – học sinh khóa 2005 – 2008; Phạm Mai Phương – học sinh chuyên Hóa khóa 2011 – 2014, huy chương Vàng quốc tế Hóa học năm 2014. Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề “Chính sách thu hút người tài”.

Chính sách rõ ràng và bài bản

Trao đổi tại buổi gặp mặt những thế hệ tài năng của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) nói: “Lâu nay, học sinh trường chuyên hay bị nghĩ là những con gà công nghiệp, gà chọi thì những năm gần đây tư duy này đã thay đổi. Bằng chứng như học sinh Ams vừa giỏi lại hoạt động tình nguyện, hoạt động kỹ năng sống rất tốt”.

Bàn về câu chuyện thu hút nhân tài quốc gia, ông Chuẩn cho biết: “Có thể thấy nhiều bạn học sinh đã từng du học ở nước ngoài rồi lại quay trở về phục vụ cho nước nhà. Số học sinh khác thì đang ở nước ngoài nhưng vẫn đem tư duy, chất xám, công sức, thậm chí là của cải phục vụ đất nước. Hiện nay thế giới hội nhập thì tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể chia sẻ được. Chúng ta hy vọng sẽ hội nhập được nhanh và có thể lấy chất xám của thế giới về phục vụ cho đất nước”.

Trước câu hỏi: “Nhà nước có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài như thế nào để người giỏi ở nước ngoài nói chung và nhân tài Việt Nam về cống hiến cho đất nước?”, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Chúng ta không nên đặt yêu cầu đi du học nước ngoài là phải về, thậm chí có yêu cầu phải trở thành người tài rồi hãy về, học thêm hãy về”.

Picture 1
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khiến cả hội trường vui vẻ với các câu hỏi về chiếc mũ rơm

Ông nói thêm: “Năm 2007 chúng tôi đã tổ chức thi Olympic toán quốc tế Việt Nam. Sau thi, chúng tôi gặp các giáo viên Việt Nam trong hội đồng ra đề và thấy rằng nếu không có những người như GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn và nhiều người khác nữa thì không thể có hội đồng ra đề được thế giới chấp nhận như thế. Như vậy cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn hướng về đất nước".

Với tư cách là một du học sinh và nay là lãnh đạo của một tập đoàn đa quốc gia, ông Hoàng Thanh Tùng – một trong bốn cựu học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam kiến nghị GS Nguyễn Thiện Nhân và Bộ GD-ĐT cần tạo điều kiện cho những người trẻ, học sinh Việt Nam làm việc ở nước ngoài tốt giữ cương vị cao trong các tập đoàn.

Kinh nghiệm từ bản thân ông Tùng cho thấy nếu có nhiều người Việt Nam có giữ được các vị trí cấp cao tại các tập đoàn lớn sẽ tạo ra làn sóng, thúc đẩy trí thức trong nước nỗ lực.

Kích thích ý chí vươn lên từ câu chuyện… chiếc mũ rơm

Picture 2

Vũ Thanh Trung Nam, HCV Olympic Vật lí quốc tế 2014 nhận chiếc mũ rơm từ GS Nguyễn Thiện Nhân

Mang lên sân khấu một chiếc mũ rơm, GS Nguyễn Thiện Nhân hỏi các học sinh trường chuyên bậc nhất nhì tại Thủ đô có biết chiếc mũ ra đời từ khi nào, Đỗ Hải Nam - học sinh lớp 12 chuyên Sử khá nhanh nhẹn đáp lại: “Mũ rơm là vật gắn liền với tuổi thơ bố mẹ chúng cháu. Mũ ra đời chiến tranh phá hoại của Mỹ, thời điểm vào năm 1964, sau khi dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ cho không quân và hải quân bắn phá miền Bắc. Học sinh, trẻ em đến trường đội mũ rơm tránh bom, đặc biệt là bom bi rất nguy hiểm”.

Với câu trả lời này, GS Nguyễn Thiện Nhân đã hài lòng và chấm điểm 10 cho cậu học sinh.

Kể tiếp những câu chuyện về “thời đội mũ rơm” của mình, GS Nguyễn Thiện Nhân mong các học sinh: “Phải kế tục ý chí không chấp nhận nước Việt Nam nghèo, không chấp nhận thua các nước mà phải vươn lên”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước