Khó khăn khi chuyển đổi môn học tự chọn cấp THPT
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề ở cấp trung học phổ thông.
Thời điểm này đã kết thúc học kỳ 1. Với khoảng 3000 trường THPT trên cả nước, đây là học kỳ đầu tiên dạy và học theo tổ hợp của chương trình mới. Đầu năm học, ngoài 8 môn học bắt buộc, các em lựa chọn thêm 4 môn tự chọn để theo học cho đến khi tốt nghiệp, cũng là định hướng nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên sau một học kỳ, có một số học sinh cảm thấy không phù hợp và muốn thay đổi. Nhưng mọi việc không dễ dàng.
Trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội kết thúc học kỳ 1 có một số học sinh muốn đổi môn học đã lựa chọn. Một số học sinh xin chuyển sang trường khác. Lại có các học sinh từ trường khác xin chuyển về. Thế nhưng, học sinh chuyển đi hay học sinh chuyển đến đều không thể thực hiện được nguyện vọng của mình.
Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũng chỉ có 2 học sinh xin đổi môn học lựa chọn sau khi kết thúc học kỳ 1. Theo quy định, các nhà trường sẽ hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức để học môn học mới. Tuy nhiên, có một chút khó khăn khi giáo viên thực hiện nhiệm vụ.
Học sinh lớp 10 lựa chọn 4 môn trong các môn học
Năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 10 lựa chọn 4 môn trong các môn học: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngay từ đầu lớp 10, các em sẽ nghe tư vấn và dựa trên năng lực, sở thích của mình để chọn môn học cho cả 3 năm THPT.
Việc học sinh cảm thấy không phù hợp và muốn thay đổi dù chỉ là con số rất ít nhưng cần phải được lắng nghe và giải quyết. Bởi đó không chỉ là chuyện lựa chọn môn học hôm nay mà còn là tương lai sau này của các em.
Nhu cầu chính đáng nhưng cần tính toán kỹ lưỡng
Cũng vì là năm đầu thực hiện, và để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, Bộ Giáo dục và đào tạo đã vừa có hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông. Bộ vẫn đưa ra tinh thần chung là khi đã lựa chọn môn học tự chọn thì phải giữ cố định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi thì chỉ thực hiện vào cuối năm học. Học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới.
Một số Sở Giáo dục và đào tạo cho biết cũng đã nắm bắt được nguyện vọng chuyển trường và đổi tổ hợp tự chọn của học sinh nhưng sẽ từng bước tính toán để thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ.
Chuyển đổi môn học tự chọn là nhu cầu có thật và chính đáng của học sinh sau một thời gian học tập nhận thấy không phù hợp, tuy nhiên chuyển đổi vào thời gian nào, việc học bù kiến thức, kiểm tra bù các đầu điểm cần tiến hành ra sao là vấn đề cần được tính toán kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, việc này cũng cho thấy các trường THPT và tiến tới là Bộ giáo dục và Đào tạo cần tập hợp các kiến nghị của giáo viên và học sinh về chất lượng bộ sách giáo khoa mới cũng như chương trình mới để có thể có giải pháp kịp thời nếu cần.
Đây không phải là vấn đề gì qua lớn hay thất bại, bởi đổi mới bao giờ cũng sẽ nẩy sinh vấn đề mới, nhưng nếu giải quyết kịp thời những phát sinh này thì đổi mới, nhất là đổi mới giáo dục sẽ mang lại hiệu quả cao.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là TS. Trần Thị Thanh Thủy, quyền Tổng Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Alpha School.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!