Từ đầu năm học tới nay, ở nhiều địa phương có những lùm xùm về bữa ăn bán trú, từ việc bữa ăn không đảm bảo chất dinh dưỡng, đến ngộ độc thức ăn, thậm chí là phát hiện thực phẩm ôi thiu tại công ty cung cấp bữa ăn bán trú... Điều này gây ra nhiều lo ngại cho phụ huynh và học sinh cả nước.
Lo ngại chất lượng bữa ăn bán trú
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú, cần phải tăng cường giám sát thường xuyên, liên tục tất cả các khâu với sự tham gia của các bên liên quan từ nhà trường, cơ quan chức năng và đặc biệt là sự giám sát chặt chẽ từ phụ huynh học sinh.
Sau vụ lùm xùm về bữa ăn bán trú 32 nghìn đồng/suất không đảm bảo chất lượng, đến nay, trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội đã khắc phục tình hình trên.
Hai suất ăn của trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội ở hai thời điểm đã có sự khác nhau.
Hiện tại, bữa ăn tại trường này đã được cải thiện và món ăn đa dạng hơn. Học sinh cảm nhận suất ăn nhiều hơn và ngon hơn. Còn phụ huynh cho biết, tạm thời yên tâm với bữa ăn bán trú của các con.
Tất cả nhờ vào sự kiểm tra không báo trước của phụ huynh, mới có thể phát hiện ra bữa ăn có vấn đề. Sau đó, ban đại diện phụ huynh đã lên tiếng về bữa ăn 32 nghìn đồng nhưng chỉ lèo tèo vài món không đủ chất. Doanh nghiệp cung cấp suất ăn bán trú cho nhà trường là công ty Hoa Sữa đã phải đứng ra xin lỗi và có phương án điều chỉnh, bổ sung thức ăn ở mỗi suất cơm.
Sau vụ việc, trường THCS Yên Nghĩa đã thành lập ban kiểm tra thực phẩm gồm 10 phụ huynh đại diện các khối lớp, tiến hành kiểm tra bếp ăn hàng ngày, hàng tuần.
Ông Nguyễn Đình Bích, Hội trưởng Hội phụ huynh lớp 6A9, Trường THCS Yên Nghĩa cho hay: "Phụ huynh không có thời gian để đi kiểm tra hàng ngày. Ta rút kinh nghiệm là ta phải tự làm chứ không phải có người giám sát ta mới làm tốt. Mình đã làm tốt thì chẳng cần ai giám sát mình cũng mà tốt thôi".
Còn theo bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội phân trần: "Trước đây mình có kế hoạch và phân công nhiệm vụ rồi, nhưng có thể khâu đó vẫn còn làm chưa chặt. Chúng tôi tìm ra khe hở và khắc phục những lỗ hổng đó để công việc giám sát ăn bán trú chặt chẽ hơn từ khâu ăn tới khâu ngủ".
Thực tế, các tổ giám sát an toàn thực phẩm mà phụ huynh tham gia, đã được thực hiện ở nhiều trường có bếp ăn bán trú. Phụ huynh cùng nhà trường giám sát nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh, đơn vị cung cấp... sẽ giúp kiểm soát chất lượng bữa ăn tốt hơn, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
5h sáng tại một bếp ăn trường liên cấp ở Hà Nội, phụ huynh cùng nhà trường kiểm tra thực phẩm đầu vào.
Từ 5h sáng, theo lịch luân phiên, phụ huynh sẽ tham gia kiểm tra chéo các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, và độ tươi mới của thực phẩm. "Ba mẹ rất lo lắng cho bữa ăn hàng ngày của các con. Nên chúng tôi sẽ có những buổi kiểm tra đột xuất, thường xuyên hoặc không thường xuyên, kiểm tra thực phẩm đầu vào hàng ngày, để yên tâm khi gửi con ở trường", anh Trần Hồng Thắng, nằm trong tổ giám sát thực phẩm của trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho biết.
Ban phụ huynh kiểm tra mã code truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Ông Thái Khắc Thành, phụ huynh đại diện khối THCS thường xuyên đi kiểm tra bếp ăn bán trú nhấn mạnh thêm: "Quy trình do con người đặt ra. Cho nên việc kiểm tra giám sát luôn cần, không phải một trường mà tất cả các trường. Các con đang tuổi phát triển, rất cần ưu tiên về nguồn dinh dưỡng thực phẩm".
Nhà trường nên tạo điều kiện để đại diện phụ huynh tham gia giám sát từng công đoạn tổ chức bếp ăn bán trú, đặc biệt là khâu kiểm tra nguồn gốc thực phẩm và khâu bảo quản. Tránh tái diễn những tình cảnh khi đại diện phụ huynh phải tìm đủ cách, mới biết được thực tế chất lượng bữa ăn, hoặc nhà trường phải đối phó với phụ huynh về việc này.
Các mẫu thực phẩm được test an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ngày.
Phụ huynh và nhà trường đồng hành giám sát bữa ăn
Để đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường, phụ huynh cần đồng hành với trường trong việc thẩm định chất lượng. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và chính quyền cần kiểm tra định kỳ, đột xuất để nâng cao tính trách nhiệm của đơn vị cung cấp bữa ăn cũng như nhà trường. Đó cũng là khẳng định của ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục ATTP Thành phố Hà Nội.
Ông Phong nhấn mạnh: "Tăng cường khâu kiểm tra giám sát hàng ngày, nhất là ban phụ huynh học sinh vào giám sát nguyên liệu đầu vào. Các bên phải tuân thủ các quy trình chế biến. Bất cứ đơn vị nào vi phạm, yêu cầu ngừng ngay hợp đồng cung cấp và báo với lãnh đạo địa phương xử lý theo thẩm quyền".
Bữa ăn bán trú đầy đủ tại một trường Tiểu học ở Hà Nội
Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần đây nhất, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phú Hữu (TP. Thủ Đức) phát hiện thịt, xương gà ôi thiu, lên màu đen trong tủ đông ở đơn vị cung cấp suất ăn ngày 25/10. Ở khu vực gia vị, đồ khô cũng có một số can tương ớt không đậy nắp, mùi hôi, không rõ hạn sử dụng.
Phía đơn vị cung cấp suất ăn giải thích, phần thịt, xương gà là đồ bỏ sau quá trình chế biến, không dùng nấu ăn cho học sinh. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng, việc để thịt, xương gà đã hư hỏng chung với các thực phẩm khác là không chấp nhận được, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngay sau đó, nhà trường và phụ huynh đã họp và thống nhất ngưng hợp đồng cung cấp suất ăn với đơn vị này, tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú từ ngày 26/10 đến khi tìm được đối tác khác. Chỉ 3 ngày sau khi diễn ra sự việc, 4 trường học khác ở TP. Thủ Đức cũng tạm ngừng ăn bán trú vì sử dụng suất ăn công nghiệp được cung cấp bởi cùng một công ty.
Rõ ràng, các đoàn kiểm tra của ban giám hiệu, y tế nhà trường hay phụ huynh không thể lúc nào cũng có thể canh chừng tới tất cả các công ty cung cấp suất ăn hay nhà bếp để xem quy trình có đúng hay chưa, giấy phép có đủ đầy, thực phẩm có đảm bảo rõ nguồn gốc, bữa ăn có an toàn, cân bằng dinh dưỡng hay không. Chưa kể việc giám sát công ty cung cấp suất ăn thì khó hơn rất nhiều so với nhà bếp nằm trong trường học.
Vấn đề gốc rễ là tất cả các cơ sở pháp lý để xây dựng, tổ chức, quản lý những suất ăn bán trú an toàn đến cho học sinh đã có, rất cần sự làm việc nghiêm túc, minh bạch, tuân thủ đúng pháp luật của tất cả mọi người, tất cả các bên, ở tất cả các khâu. Cần phải xử lý nghiêm những công ty cung cấp suất ăn bán trú vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, hiện nay, một số trường thực hiện cách thức giám sát bếp ăn bán trú là phụ huynh trực tiếp đến mua suất ăn và cùng ăn với con để trải nghiệm. Khi đó, bằng cảm nhận của bản thân, bố mẹ sẽ có những góp ý và điều chỉnh khẩu vị món ăn cho phù hợp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!