Tập trung nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông

Mai Loan-Thứ ba, ngày 13/06/2023 06:18 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Đây là thời điểm cần điều kiện, nguồn lực một cách tập trung nhất, ráo riết nhất".

Ngày 12/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cùng lãnh đạo một số đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc với tỉnh Hải Dương về tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh và công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tập trung nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông; không để xảy ra sai sót trong Kỳ thi tốt nghiệp

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương đối với công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Ghi nhận kết quả giáo dục địa phương, Bộ trưởng nhắc đến chỉ số kết quả thi tốt nghiệp THPT trong 3 năm qua trong nhóm cao của cả nước. Cùng với đó là nỗ lực về đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong bối cảnh gia tăng dân số, triển khai khá tốt hệ thống đào tạo ngoài công lập…

Tập trung nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Chia sẻ về một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của ngành Giáo dục là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng nhấn mạnh: Thời điểm này, khối lượng công việc và các yêu cầu đặt ra trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông cần sự tập trung rất cao. Do đó, Sở GDĐT cần tham mưu đánh giá kết quả triển khai chương trình 2018 sau 3 năm đầu triển khai, đặc biệt với lớp 10. Năm học 2023-2024 triển khai thêm 3 lớp, những khó khăn sẽ tăng thêm, vấn đề thiếu nhân lực và thách thức khác còn lớn hơn nữa. Do đó, cần nhìn trước, thấy hết những khó khăn đặt ra để tham mưu cho tỉnh.

"Đây là thời điểm cần điều kiện, nguồn lực một cách tập trung nhất, ráo riết nhất. Cần thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị trước thềm năm học mới. Rà soát trang thiết bị nào còn sử dụng được, những gì phải mua sắm mới, vướng mắc ra sao để tìm cách tháo gỡ…". Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, đây phải trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND mới có thể đáp ứng, triển khai hiệu quả.

Về những khó khăn liên quan đến đội ngũ giáo viên, theo Bộ trưởng khó có thể giải quyết ngay, cần từng bước với nhiều giải pháp khác nhau: từ điều động, luân chuyển, bồi dưỡng đến tuyển mới, tạo nguồn tuyển... Bộ trưởng cũng chia sẻ một số chính sách đặc thù của TP Hồ Chí Minh dành cho nhà giáo với gợi mở, bên cạnh chế độ chính sách chung của nhà nước, Hải Dương và các tỉnh, thành chủ động được nguồn ngân sách có thể tính toán ban hành chính sách ưu đãi riêng cho giáo viên.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa, giáo dục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khối tư nhân mở hệ thống các trường ngoài công lập; qua đó vừa làm giảm sức ép cho hệ thống công, giảm sức ép về thiếu giáo viên, vừa đa dạng sự lựa chọn cho người học.

Tập trung nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Với giáo dục đại học, Bộ trưởng lưu ý Trường Đại học Hải Dương sau quyết định sáp nhập của Thủ tướng Chính phủ cần có kế hoạch ráo riết hoàn thiện các điều kiện về đào tạo sư phạm, như đẩy nhanh việc thu hút cán bộ, tăng cường đào tạo đội ngũ hiện tại. Đặc biệt, chuẩn bị điều kiện mở thêm một số ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực đội ngũ giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật.

"Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nghệ thuật đang là môn lựa chọn. Tuy nhiên, nếu để kéo dài việc không có giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thì người học sẽ thiệt thòi", Bộ trưởng nói.

Cũng liên quan đến đào tạo giáo viên, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Hải Dương trong chương trình đào tạo cần tăng cường trang bị cho đội ngũ giáo viên tương lai kỹ năng, hiểu biết để có thể phát hiện, xử lý tình huống ngay khi bạo lực học đường chưa phát sinh. Bộ GDĐT sẽ tăng cường hỗ trợ về tài liệu, tập huấn để đẩy mạnh nội dung này.

Hoạt động tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cũng là những nội dung được Bộ trưởng lưu ý với tỉnh Hải Dương. Riêng với Kỳ thi, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, chuẩn bị mọi điều kiện cẩn trọng, kỹ lưỡng, dự phòng các tình huống có thể xảy ra, trong đó có các tình huống về thiên tai… để không xảy ra bất kỳ sai sót nào.

Quan tâm thực chất tới giáo dục và đào tạo, tạo mọi điều kiện trong khả năng

Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng chia sẻ: Tỉnh Hải Dương xác định muốn phát triển nhanh, bền vững, phát triển giáo dục và đào tạo là trọng tâm, trọng điểm. Thực tế, tỉnh rất quan tâm tới lĩnh vực này và đã dành nhiều nguồn lực và giáo dục của tỉnh cũng đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, từ tình hình và những con số cụ thể cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc ngay trong nội tại, rất cần sự hỗ trợ của trung ương, Bộ GDĐT trong giai đoạn tới.

Tập trung nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng trao đổi tại buổi làm việc

Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng, từ trao đổi của lãnh đạo Bộ GDĐT, có 3 nhóm việc chính tỉnh cần quan tâm. Trước mắt là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Thắng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trực tiếp là Sở GDĐT quan tâm tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ trưởng, Thứ trưởng, các lãnh đạo đơn vị của Bộ. Thực hiện đầy đủ quy trình, tiến độ, tránh ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi trên địa bàn tỉnh.

Về nhóm việc liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên, Bí thư Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Hải Dương là tỉnh khá, là một trong 18 tỉnh, thành phố có thể tự cân đối ngân sách, không thiếu nguồn lực để đầu tư, trong đó ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, y tế, an sinh.

Với gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về việc xem xét chính sách riêng của địa phương cho đội ngũ nhà giáo như một số địa phương khác có thể tự cân đối nguồn thu đã làm, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định, tỉnh Hải Dương hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là cần có tham mưu, đề xuất phù hợp.

Riêng về đầu tư cơ sở vật chất, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, những nơi nào trên địa bàn tỉnh còn trường tạm, trường mượn là tỉnh lập dự án bố trí nguồn vốn đầu tư ngay, những việc khác có thể lùi được. Thời gian tới, Hải Dương sẽ chú ý, quan tâm hơn nữa tới cơ sở vật chất cho giáo dục.

"Lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa, quan tâm thực chất tới giáo dục và đào tạo, tạo mọi điều kiện trong khả năng. Giáo dục là nhiệm vụ quan trọng nhất nhưng nếu triển khai không quyết liệt sẽ không có kết quả", khẳng định điều này, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng mong muốn, Bộ GDĐT sẽ dành sự quan tâm hơn nữa tới giáo dục Hải Dương, có hướng dẫn chỉ đạo, trao đổi ngay để tỉnh làm tốt hơn nhiệm vụ giáo dục trong thời gian tới.

Tập trung nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông - Ảnh 4.

Giám đốc Sở GDĐT Hải Dương Lương Văn Việt báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tình hình giáo dục và đào tạo địa phương, Giám đốc Sở GDĐT Hải Dương Lương Văn Việt thông tin: Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 842 trường mầm non, phổ thông (779 trường công lập, 63 trường tư thục). Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường đại học và 1 cơ sở đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; 1 trường trung cấp và 4 trường cao đẳng nghề.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương luôn quan tâm chỉ đạo ngành GDĐT, các địa phương tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học.

Mạng lưới trường, lớp luôn được củng cố và phát triển. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong các nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục có sự phát triển toàn diện, bền vững.

Bên cạnh thuận lợi, giáo dục Hải Dương cũng gặp những khó khăn liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Một số trường ở đô thị diện tích hẹp không thể mở rộng, số học sinh tăng nhanh, không đủ phòng học, phòng bộ môn. Trang thiết bị dạy học thiếu, nhất là thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn ở một số địa phương thiếu nguồn tuyển, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước