Năm học 2012 - 2013, Thái Bình là địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN). Đến năm học 2015 - 2016, mô hình này được nhân rộng ra 21 trường Tiểu học, 10 trường Trung học Cơ sở; năm học 2016 - 2017 toàn tỉnh có 135 trường thực hiện mô hình VNEN trong đó có 87 trường Tiểu học, 48 trường Trung học Cơ sở với trên 16.400 học sinh theo học mô hình này.
Sau 5 năm triển khai, mô hình VNEN tại Thái Bình đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế như cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thực hiện xen kẽ mô hình truyền thống với mô hình trường học mới gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên cũng như công tác quản lý. Mặt khác, mô hình trường học mới không chú trọng việc kiểm tra, cho điểm mà căn cứ vào sự tự giác của học sinh, do đó đa số phụ huynh học sinh lo ngại khi con em mình theo học chương trình của mô hình VNEN sẽ khó khăn khi bước vào bậc Trung học phổ thông…
Từ thực tế đó, năm học 2017 - 2018 tỉnh Thái Bình áp dụng thực hiện sách giáo khoa trường học mới với những học sinh đã học từ năm học trước, không mở rộng với số học sinh chưa được học mô hình này từ các lớp trước; đồng thời chỉ đạo không nhân rộng mô hình với các trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Năm học 2018 - 2019, tỉnh Thái Bình quyết định không áp dụng mô hình này bậc Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, việc dừng triển khai mô hình VNEN nhằm thực hiện kế hoạch, lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6. Năm 2018 tỉnh sáp nhập trường Tiểu học và Trung học cơ sở thành trường phổ thông hai cấp học tại các xã, phường, thị trấn hiện có cả trường Tiểu học và Trung học cơ sở với quy mô dưới 18 lớp.