Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu cho biết, liên quan đến bữa cơm học sinh giá 19.000 đồng nhưng chỉ có ít rau và một miếng cá tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 (thành phố Thanh Hóa) gây bức xúc trong dư luận, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa phối hợp với UBND phường Điện Biên (thành phố Thanh Hóa) kiểm tra tất cả khâu nấu ăn bán trú tại trường. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra ban đầu của hai đơn vị trên, chưa phát hiện có dấu hiệu bớt suất ăn của học sinh tại trường này.
Trường này được đánh giá thực hiện tương đối tốt công tác ăn bán trú, từ khâu nhập thực phẩm, chế biến, lên thực đơn, tổ chức ăn bán trú đến các quy trình thu, chi tiền. Nguồn thực phẩm cũng đã được nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm sạch, an toàn, được cấp phép.
Tuy vậy, việc bố trí thực đơn ăn cho học sinh của trường chưa hợp lý. Có những ngày, thực đơn vượt quá số tiền 19.000 đồng, nhưng cũng có những ngày lại thấp hơn 19.000 đồng nên chưa đảm bảo cân đối trong bố trí bữa ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, thực đơn chỉ có hai món rau muống và cá thu là chưa đa dạng, chưa đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa chỉ nhắc nhở nhà trường rút kinh nghiệm. Đồng thời, Phòng yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường áp dụng phần mềm mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực đơn các bữa ăn, không được tái diễn việc này. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát và điều chỉnh lại thực đơn ăn hàng ngày cho các em, đảm bảo phong phú, đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Các món ăn phải được sắp xếp bắt mắt, dễ ăn, phù hợp với lứa tuổi…
Cùng với việc kiểm tra công tác tổ chức ăn bán trú tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bán trú trong các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa yêu cầu các trường tiểu học tiến hành kiểm kê tài sản, cơ sở vật chất phục vụ bán trú, lên danh mục bổ sung đồ dùng bán trú, lập kế hoạch mua sắm tài sản. Các trường thành lập các tổ phục vụ bán trú (tổ tiếp phẩm, tổ cấp dưỡng, tổ bảo mẫu, tổ quản sinh); quy định trách nhiệm cho từng tổ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Hằng ngày, nhà trường phân công người tiếp quản thực phẩm, kiểm tra chất lượng, định lượng thực phẩm tươi sống, giám sát khâu chế biến thức ăn, ghi rõ nhận xét về chất lượng, định lượng hàng nhập và ký vào sổ kê khai hàng hóa, thực phẩm cung cấp.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa yêu cầu các nhà trường công khai thực đơn từng tuần và thực đơn chi tiết bữa ăn hàng ngày của trẻ với phụ huynh, niêm yết tại nơi quy định, lưu thực đơn sau mỗi tuần thực hiện.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!