Sau nhiều tháng phải nghỉ học do dịch Covid-19, vào ngày 4/5 tới, học sinh các cấp tại Quảng Bình sẽ trở lại học tập bình thường. Với các trường học vùng cao của huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, việc nghỉ học kéo dài sẽ khó có thể đảm bảo được việc học sinh trở lại trường đầy đủ.
Để không xảy ra tình trạng học trò "bỏ trường, bỏ lớp", những ngày qua, các thầy, cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa đã không ngại khó khăn, về tận các bản xa để thông báo lịch học, vận động học trò đi học trở lại. Thậm chí nhiều thầy, cô còn vượt suối, băng vào tận rừng sâu để động viên, đưa học trò của mình về trường.
Hiện đang là mùa rẫy nên học sinh dân tộc thường xuyên lên rẫy cùng bố mẹ.
Thầy Trần Trọng Lam, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa cho biết, toàn bộ xã Trọng Hóa có 15 điểm trường, riêng khu vực Trọng Hóa 2 có 8 điểm với 527 học sinh, đa số các em là người dân tộc thiểu số.
"Sau khi có thông báo của Sở Giáo dục - Đào tạo về việc triển khai cho học sinh đi học trở lại, trường đã có kế hoạch phân công cho các giáo viên lên bản để thông báo, vận động và đôn đốc các em.
Vì cuộc sống nơi đây gặp nhiều khó khăn nên việc học tập của con em chưa được phụ huynh quan tâm, một số học sinh "bữa đi, bữa bỏ" nên các giáo viên ngoài giờ lên lớp còn kiêm thêm việc đến nhà vận động các em", thầy Lam chia sẻ.
Theo chân các thầy, cô đi qua từng con suối của các bản Si, Lòm, Tà Vờng, Cha Cáp... và được nghe những câu chuyện động viên, những lời chỉ dạy của những người đang công tác tại những vùng sâu, vùng xa với học sinh, chúng tôi mới thấu hiểu được sự vất vả của những giáo viên vùng cao. Và hơn hết là tình thương mà các thầy, cô đã dành cho những đứa trẻ miền sơn cước.
Cô giáo Cao Thị Hoàng, giáo viên cắm bản tại bản Si cho biết, hiện đang là mùa rẫy của đồng bào nên các em học sinh dân tộc đều đi vào rừng theo bố mẹ.
Cả bản đều "đóng cửa, cài then", may mắn lắm thầy, cô mới gặp được học sinh và phụ huynh ở nhà. Để vận động được học sinh đi học, cô Hoàng thường phải đến bản lúc chiều tối.
"Để các em quay lại lớp đầy đủ thì các giáo viên đều phải đến từng nhà để vận động, thông báo, đến 1 lần không gặp thì lần 2, lần 3. Thậm chí vào tận rẫy để vận động các em đi học.
Ngoài ra các cô, thầy cũng luôn động viên các em tuyệt đối không được bỏ học để đi làm thuê, làm mướn, vì các em chưa đủ tuổi lao động, cô Hoàng tâm sự.
Các giáo viên đều phải đến từng nhà để vận động, thông báo cho học sinh, đến 1 lần không gặp thì lần 2, lần 3, đưa bằng được các em về trường.
Còn tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, 36 giáo viên của ngôi trường này cũng đang đến từng nhà để thông báo, vận động các học sinh người Mã Liềng đi học trở lại.
"Việc giáo viên phải vào tận bản để động viên học sinh đi học là một việc quá đỗi quen thuộc với những giáo viên cắm bản tại xã Lâm Hóa.
Tuy công tác vận động các em còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với tinh thần yêu nghề, thương trò của các thầy, cô thì đa số các em đều hứa sẽ đến trường đầy đủ.
Một số các em ở xa có xe đạp nhưng bị hư hỏng cũng được các thầy cô mua phụ kiện để sửa cho các em", thầy Nguyễn Hữu Tâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Sau những nỗ lực đi lại nhiều lần để động viên các em của các cán bộ, giáo viên, việc vận động các em trở lại trường vào ngày 4/5 tới của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa cơ bản đã hoàn thành.
Bằng sự nhiệt huyết và tinh thần nghề nghiệp, sự quan tâm, yêu thương đối với học sinh dân tộc, các thầy, cô cắm bản vẫn đang từng ngày nỗ lực, vượt gian khó, mang cái chữ đến với đồng bào.
Nhờ đó góp phần vun đắp, tạo tiền đề để học sinh vùng cao vươn lên bằng tri thức, có một nền tảng kiến thức đầy đủ để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, giúp các bản làng vùng sâu sớm thoát nghèo đi lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!