Thầy giáo dạy học 24 năm không được xét thăng hạng

Phạm Hà-Thứ hai, ngày 31/07/2023 18:36 GMT+7

VTV.vn - Những ngày qua, giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phản ánh họ không thể đạt yêu cầu xét thăng hạng dù đã có vài chục năm công tác.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên có 3 mức, cao nhất là mức 1. Tuy nhiên, trong lần thăng hạng này, nhiều giáo viên bất ngờ khi mình không thuộc diện được xét thăng hạng.

Trường hợp một thầy giáo này đã có 24 năm công tác. Năm 2020, Hà Nội có đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Một trong những yêu cầu là phải có bằng Đại học đủ 1 năm. Lúc đó, vì điều kiện, hoàn cảnh, thầy mới học xong đại học được có 6 tháng. Đến năm nay, khi Hà Nội thông báo có đợt xét thăng hạng, tưởng sẽ chắc chắn, ai ngờ thầy được thông báo phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được xét thăng hạng.

Nhiều giáo viên của Hà Nội đã gửi kiến nghị, thậm chí là đơn kêu cứu lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội Vụ. Họ cho biết, trước đây, ngành giáo dục chỉ yêu cầu giáo viên Tiểu học tốt nghiệp Trung cấp, giáo viên THCS tốt nghiệp Cao đẳng trở lên. Khi Luật Giáo dục 2019 ra đời yêu cầu phải có bằng đại học, nhiều giáo viên đã nỗ lực phát triển bản thân nhưng cũng xoay xở đủ kiểu mới có thể đi học theo chuẩn mới.

Từ ngày đầu vào nghề, làm hợp đồng với mức lương 180.000 đồng/tháng, sau 24 năm, thầy giáo hiện được hơn 7 triệu đồng tiền lương. Ngoài dạy học, thầy còn nuôi thêm gà, chở hàng thuê. Nếu được xét từ hạng 3 lên hạng 2, mỗi tháng, thầy sẽ được thêm 1,2 triệu đồng. Những đồng lương quý giá để nuôi gia đình nhưng quan trọng, thăng hạng chính là sự ghi nhận về chuyên môn, đóng góp của giáo viên với nghề.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước