Ghi nhận của phóng viên VTV Times, dù thời tiết tại Hà Nội nắng nóng từ sáng sớm, nhưng phụ huynh và các em học sinh vẫn tới dự lễ khai giảng năm học mới với tinh thần hồ hởi, hứng khởi.
Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước... Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.
Tại trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), hơn 1.800 em học sinh đã có mặt đông đủ, đúng giờ từ 7h sáng để đón lễ khai giảng. Năm nay, nhà trường đón 473 học sinh vào lớp 6.
Các em học sinh thực hiện nghi lễ chào cờ tại Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Ảnh: Khánh Nguyễn
Chia sẻ tại lễ khai giảng, NGƯT. TS. Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy cho hay: "Năm học này đánh dấu chặng đường 15 năm của nhà trường. Các thầy cô mong các em học sinh luôn mang năng lượng tích cực để chinh phục những kiến thức, kĩ năng mới và chinh phục giới hạn mà bản thân các em thử sức.Không chỉ là thành tích vượt trội, điểm số cao trong học tập mà các em cần vượt khó, vượt rào cản để vượt qua chính mình".
Tại kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, các em học sinh của trường THCS Cầu Giấy đạt điểm trung bình thuộc top cao của TP Hà Nội với 43,19 điểm, tỷ lệ đỗ vào trường THPT chuyên đạt 83,39%.
Hòa chung không khí vui tươi của ngày hội đến trường trong sáng 5/9, thầy và trò trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) rạng rỡ đón chào năm học mới. Do thời tiết oi nóng, dù đã chuẩn bị sẵn mái che và quạt nhưng các em học sinh tiểu học hiếu động vẫn cảm thấy nóng nực. Vừa dự lễ khai giảng, các cô giáo vừa di chuyển quạt tay cho từng em học sinh.
Các em học sinh lớp 1 được cô giáo hỏi thăm khi dự lễ khai giảng. Ảnh: Khánh Nguyễn
Trong năm học mới này, nhà trường vẫn tiếp tục giảng dạy các chương trình học tích hợp liên mô, theo phương pháp dạy học dự án, tương tác và trải nghiệm đi kèm các hoạt động giáo dục ngoại khóa. Theo cô giáo Huỳnh Thị Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thái Tổ, năm học vừa qua, nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của ngành, nâng cao giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.
"Trong không khí hân hoan chào đón năm học mới, cũng là dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 20 của hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ, các thầy cô nhà trường sẽ tiếp tục giữ vững truyền thống, nhiệt huyết và là người truyền cảm hứng cho các em học sinh sải cánh đến chân trời mơ ước".
Lễ khai giảng rực cờ đỏ sao vàng cùng tâm lý hồ hởi của các em học sinh tiểu học. Ảnh: Khánh Nguyễn
Thời tiết sáng 5/9 tại TP Hồ Chí Minh mát mẻ, dễ chịu nên nhiều gia đình tranh thủ đưa các con tới trường sớm để tham gia nhiều hoạt động của Lễ Khai giảng năm học mới
Các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức ngày hội "Bé vui đến trường". Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị tổ chức hình thức đa dạng, phong phú phù hợp từng đơn vị; chú trọng tận dụng các không gian để bố trí các hoạt động, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho trẻ.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị hiệu trưởng các trường chỉ đạo ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau lễ khai giảng.
Lễ Khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức. Ảnh: Hương Huyền
Sáng 5/9, cùng với học sinh các tỉnh thành, thành phố trong cả nước, hàng nghìn học sinh và giáo viên trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hân hoan tổ chức Lễ khai giảng chào đón năm học mới 2024 - 2025.
Trong sáng hôm nay, lễ khai giảng được tổ chức trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho giáo viên và các em học sinh bước vào năm học mới tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Không khí buổi lễ Khai giảng năm học mới tại Hà Tĩnh. Ảnh: Quang Tiến.
Năm học 2024-2025, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 362.000 giáo viên, học sinh ở 668 trường học. Trước năm học mới, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD&ĐT Hà Tĩnh tập trung trong năm học mới là: tăng cường giáo dục chính trị, xây dựng văn hóa học đường an toàn, lành mạnh; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi số trong toàn ngành…
Niềm vui của cô và trò trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: Văn Lang
Còn tại Nghệ An, hơn 900 nghìn học sinh và gần 50 nghìn giáo viên của hơn 1.530 trường học trong toàn tỉnh hân hoan tổ chức lễ khai giảng chào đón năm học mới 2024 - 2025. Lễ khai giảng năm nay được các trường tổ chức gồm phần "Lễ" và phần "Hội", tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục Nghệ An đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đột phá. Trong đó, nhiệm vụ chính là đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn; Phát triển đội ngũ nhà giáo, có đủ phẩm chất, năng lực, có tầm nhìn và sáng tạo./.
Năm học này, ngành Giáo dục và đạo tạo tỉnh Thanh Hóa xác định những nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT... Theo kế hoạch, ngày 5/9 cũng là ngày học đầu tiên học kỳ I năm học 2024-2025. Số tuần thực học của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có 35 tuần. Năm học 2023-2024 khép lại với những thành tích ấn tượng của ngành giáo dục Thanh Hoá: Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững vị trí trong tốp đầu của cả nước. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Thanh Hóa có tỷ lệ học sinh đoạt giải cao nhất cả nước và số giải nhất xếp thứ tư toàn quốc. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, học sinh Thanh Hóa giành 5 huy chương các môn Vật lý, Hóa học.
Các e học sinh lớp 6 sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới tại ngôi trường mới. Ảnh: Văn Lang
Năm học 2024-2025 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Năm học này đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội đảng các cấp.
Đây cũng là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Theo số liệu sơ bộ của ngành Giáo dục tính đến tháng 8/2024 do Bộ GD&ĐT cung cấp, toàn ngành có 25.255.251 học sinh, sinh viên; trong đó số sinh viên là 2.068.522. Tổng số có 53.979 cơ sở giáo dục; 1.659.589 giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động.
Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là: "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương".
Trước năm học mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Trong đó, Thủ tướng đưa ra các yêu cầu đối với Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025 với phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng".
Một số hình ảnh ghi nhận:
Lễ khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường
Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca
Năm học 2024-2025 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Đây cũng là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Hiệu trưởng đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025.
Các trường mầm non, phổ thông trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!