Thi đánh giá năng lực soán ngôi mùa tuyển sinh 2019

Theo Pháp luật TP.HCM-Thứ ba, ngày 26/02/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một số trường ĐH cho rằng những học sinh trúng tuyển từ thi đánh giá năng lực có sức học tốt và phù hợp với chương trình đào tạo hơn.

Năm 2019, ngoài sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) là phương thức chiếm ưu thế hơn cả, được hàng loạt trường ĐH, CĐ sẽ triển khai.

Tại TP.HCM, đến nay có đến năm trường ĐH tự đứng ra tổ chức thi (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH FPT và ĐH Quốc tế). Ngoài ra, hơn 20 trường khác cũng sử dụng kết quả ĐGNL từ ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển, tăng gấp nhiều lần so với năm trước.

Số thí sinh đăng ký tăng đột biến

Tính đến thời điểm này đã có gần 20.000 thí sinh đăng ký dự thi ĐGNL đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, tăng gấp năm lần tổng số thí sinh dự thi năm trước.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH này, cho biết trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 thí sinh đăng ký dự thi. Dự kiến đợt 2 có thể tiếp tục tăng vì khi đó học sinh phổ thông đã kết thúc năm học.

Theo ông Chính, nhiều trường sử dụng kết quả này là một trong những lý do khiến số thí sinh tăng đột biến. Chưa kể chỉ tiêu của các trường dành cho phương thức này cũng tăng cao, 25%-40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, bản thân thí sinh cũng muốn tăng cơ hội trúng tuyển hơn cho mình thay vì chỉ tham gia kỳ thi THPT quốc gia.

Tương tự, đây là năm thứ ba ĐH Luật TP.HCM tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với thi ĐGNL do trường tự tổ chức.

Đây là một phần thi chiếm 30% tổng điểm khi xét tuyển, bên cạnh 10% học bạ và 60% điểm THPT quốc gia.

Dù là năm đầu tiên nhưng ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến sẽ dành đến 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức này.

Tuy là hệ CĐ nhưng CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, TP.HCM cũng lần đầu tiên mạnh dạn tuyển 15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM cho chín ngành học trọng điểm về công nghệ của trường.

Chất lượng tuyển sinh ra sao?

Dù qua nhiều năm tổ chức thi nhưng đến nay các trường vẫn chưa có đánh giá cụ thể chất lượng đầu vào của phương thức này. Theo các trường, hiệu quả đó phải là cả một quá trình học tập của các em chứ không phải qua đôi, ba năm.

Theo một lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, do mới là năm thứ hai triển khai kỳ thi này nên chưa thể có đánh giá tổng quan về chất lượng tuyển sinh. Tuy nhiên, quá trình đầu tư cho kỳ thi ngày càng được thực hiện cẩn trọng và khoa học, về ngân hàng câu hỏi, nội dung đề, tổ chức... chắc chắn sẽ tạo nên kỳ thi chất lượng, giúp tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp cho giáo dục ĐH.

"ĐH Quốc gia sẽ nghiên cứu đánh giá cụ thể hiệu quả từ phương thức này để rút kinh nghiệm và tiếp tục đổi mới để tiến tới đưa kỳ thi này là phương thức tuyển sinh chính trong tương lai" - vị này cho biết.

Còn với ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), TS Hà Việt Uyên Synh, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho hay theo thống kê, điểm trung bình tích lũy của những sinh viên trúng tuyển bằng phương thức ĐGNL nhỉnh hơn so với phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Các em thể hiện được năng lực học rõ rệt hơn, phù hợp với việc đào tạo các ngành học ở trường. Cụ thể như ngành công nghệ thông tin một, hai năm trở lại đây, thành tích của sinh viên đoạt các giải quốc tế tăng lên và những em đó đều chủ yếu trúng tuyển từ kiểm tra ĐGNL.

Về vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, đánh giá qua thống kê, những em nào có điểm đầu vào của kỳ ĐGNL cao thì khả năng theo học luật của các em tốt hơn hẳn. "Do đó, nhà trường duy trì kỳ thi này để tuyển sinh chứ nếu chỉ dựa vào kỳ thi THPT thì có những em điểm rất cao nhưng để theo học được các chuyên ngành ở ĐH là vấn đề khác, đòi hỏi cần nhiều yếu tố hơn" - PGS-TS Hải nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước