Google, YouTube, Facebook, TikTok, rất nhiều nơi để tìm kiếm thông tin về tuyển sinh, hướng nghiệp nhưng nhiều liệu có khiến các học sinh bị nhiễu loạn?
Em Đỗ Ngọc Nhi - học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội - cho hay: "Có nhiều ý kiến đa dạng trên TikTok nhưng một số người làm thì lại bỏ học đại học nên nhiều quan điểm không đúng, em sẽ bỏ qua, em nghe theo lập trường của mình".
Hiện nay, mạng xã hội thu hút giới trẻ rất mạnh mẽ nhưng không phải thí sinh nào cũng tìm đến những kênh này để tìm hiểu về các ngành học và các trường đại học. Nhiều bạn trẻ đã rất có ý thức phải kiểm chứng và chọn lọc thông tin.
Hoạt động hướng nghiệp luôn được các nhà trường thực hiện xuyên suốt năm học. Nhưng để đồng hành cùng học sinh trong những thời điểm quan trọng để lựa chọn nghề nghiệp, bên cạnh sự tự nhận thức của học sinh thì rất cần vai trò của các thầy cô giáo.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho hay: "Không thể cấm học sinh tiếp xúc với mạng xã hội vì đó là thông tin đại chúng. Đây là lúc rất cần sự chung tay chia sẻ trách nhiệm của nhà trường, các thầy cô và phụ huynh, không thể cấm học sinh tiếp xúc với thông tin trên mạng xã hội nhưng chúng ta phải giúp các em nhận thức, chọn lọc những cái gì là đúng, cái gì là sai, để giúp học sinh không vấp ngã".
Việc tìm kiếm và tham khảo các nội dung hướng nghiệp trên mạng xã hội có thể giúp học sinh có cái nhìn đa chiều về các ngành học. Nhưng cần chọn lọc và sáng suốt để có cho mình những lời tư vấn đúng đắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!