Thống kê sơ bộ từ 63 tỉnh, thành cho thấy, cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10, gấp nhiều lần con số của năm 2016. Sau khi công bố điểm thi THPT Quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện tượng nhiều bài thi điểm 10 không phải là bất thường.
"Để đánh giá một cách toàn diện về kết quả thi năm nay và so sánh với năm ngoái, phải có sự phân tích sâu về cơ sở dữ liệu. Không phải số bài thi điểm 10 tăng cao có nghĩa là đề quá dễ hoặc coi thi không nghiêm túc. Nếu điểm 10 cao vọt lên mà điểm thấp quá ít thì mới vô lý. Nếu phân bố đều (điểm 0, điểm 1 ít; điểm 10 cũng ít) thì đó là điều bình thường", Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. Ông cũng cho biết thêm, đề thi trắc nghiệm đã được chuẩn hóa, rút ra từ ngân hàng câu hỏi ngẫu nhiên, có mức độ khó dễ khác nhau nên phản ánh đúng năng lực học sinh.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phổ điểm thi THPT Quốc gia 2017 trung bình nằm trong khoảng 4 - 6 điểm. Điều này không có gì bất thường, đồng thời tạo thuận lợi cho các trường chọn thí sinh. "Nếu phổ điểm quá dốc, các trường sẽ phải sử dụng tiêu chí phụ nên rất khó trong việc tuyển sinh bởi chỉ cần tăng hay giảm nửa điểm, số lượng thí sinh sẽ thay đổi nhiều", Thứ trưởng cho biết. Như vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phổ điểm năm nay sẽ không dốc vì bên cạnh số thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối, vẫn có nhiều thí sinh đạt điểm 0, điểm 1 và phổ điểm tập trung chủ yếu ở vùng trung bình.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT), môn Toán có 278 điểm 10 nhưng cũng có tới 761 điểm 0 và 1.577 em điểm từ 1 trở xuống (điểm liệt). Điểm trung bình của môn Toán là 5,18, điểm dưới 5 xấp xỉ 49,2%.
Dự kiến, ngày 12/7, hội đồng điểm sàn sẽ họp để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trước đó, Bộ GD - ĐT sẽ công bố phổ điểm từng môn thi và tổ hợp xét tuyển truyền thống nhằm giúp học sinh điều chỉnh nguyện vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!