TP Hồ Chí Minh vừa hoàn thành phân tuyến cho học sinh đầu cấp, chuẩn bị bước vào năm học mới. Một trong những mục tiêu của năm học này của ngành giáo dục không chỉ là đảm bảo chỗ học cho học sinh, mà còn là mang đến niềm vui học tập, xây dựng được nhiều trường học hạnh phúc, phù hợp với điều kiện thực tế.
Năm học 2023-2024 TP Hồ Chí Minh tăng thêm 35.000 em, việc bố trí đủ chỗ học cho học sinh, đặc biệt các khối lớp đã triển khai chương trình phổ thông mới đảm bảo học 2 buổi/ngày rất áp lực với nhiều quận huyện vùng ven.
Một trong những mục tiêu của ngành giáo dục thành phố là không chỉ đảm bảo chỗ học cho học sinh, mà phải đổi mới dạy, học mang đến trải nghiệm tốt cho học sinh, giúp các em tìm được ý nghĩa trong học tập. Thành phố khuyến khích các đơn vị xây dựng trường học hạnh phúc.
TP Hồ Chí Minh khuyến khích xây dựng trường học hạnh phúc, mang đến niềm vui học tập cho học sinh
Trường học hạnh phúc: tình yêu thương và kết nối
Tại hội thảo Xây dựng trường học hạnh phúc do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 4 và đầu tháng 8 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, một trong những từ khóa quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc là “kết nối”.
Các trường có thể xây dựng được trường học hạnh phúc trong điều kiện thực tế của mình chứ không nhất thiết phải đầy đủ cơ sở vật chất, đầu tư nhiều kinh phí. Chỉ cần người đứng đầu trường học, hiệu trưởng sẵn sàng dấn thân, đổi mới, lựa chọn mục tiêu “học sinh được hạnh phúc” thì mọi hoạt động trong trường học xoay quanh trục đó. Cụ thể là lắng nghe học sinh, quan tâm đến đời sống giáo viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đội ngũ nhân sự, tạo môi trường làm việc công bằng, thoải mái, cũng góp phần quan trọng tạo ra trường học hạnh phúc.
Hiệu trưởng một trường công lập chia sẻ, không phải bây giờ chúng ta mới nói đến xây dựng trường học hạnh phúc. Ngay từ khi Nghị quyết 29 bắt đầu triển khai thực hiện thì Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới việc làm sao để đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo. “Nói đến trường học hạnh phúc, nhiều người nghĩ ngay đến việc phải đầu tư những ngôi trường thật hiện đại. Nhưng hạnh phúc, trước tiên phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ, xuất phát từ tình yêu thương của thầy cô và phụ huynh”, ông nhấn mạnh.
Sự đồng hành và kết nối giữa giáo viên, nhà trường với phụ huynh là một trong những điều kiện thuận lợi để xây dựng trường học hạnh phúc. Trong ảnh: một buổi đối thoại giữa phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường
Cần phụ huynh đồng hành với nhà trường
Là một trong những trường công lập tiên phong thực hiện tự chủ, từ nhiều năm nay trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn đã triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, là trường công lập tự chủ nên có những khó khăn, thuận lợi riêng. Ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn cho biết, trường nằm ở địa bàn quận 7, khu Phú Mỹ Hưng đa số phụ huynh rất chăm lo cho con em và đầu tư cho giáo dục và đồng hành với nhà trường. Đây là điều kiện rất thuận lợi để nhà trường xây dựng ngôi trường hạnh phúc cho học sinh.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn là trường thực hiện tự chủ tài chính, đảm bảo chi thường xuyên từ khi thành lập năm 1997, sau đó Sở GD&ĐT quản lý. Trường không hưởng ngân sách nhà nước, cho nên để đảm bảo đủ kinh phí trang trải các hoạt động chi thường xuyên… Mỗi năm, trường phải thỏa thuận với phụ huynh mức hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Mức học phí từ năm 2002 đến nay vẫn áp dụng khung giá cũ (từ 400.000 đến 600.000 đồng/tháng), không còn phù hợp. Sau hơn 20 năm, trượt giá rất nhiều mà trường vẫn phải áp dụng mức học phí được HĐND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ rất lâu.
“Nhà trường tổ chức cho học sinh ăn 3 bữa: sáng, trưa, xế và nghỉ trưa bán trú 100%. Ngoài ra, đẩy mạnh các bộ môn ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh thì có Tiếng Nhật, Tiếng Trung để học sinh trang bị đủ kỹ năng… Phát huy phẩm chất cũng như năng lực của học sinh trường đưa nhiều hoạt động đổi mới vào giờ học, như: hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương….
Các em không vùi đầu vô chuyện học văn hóa, kiến thức quá nhiều mà đổi mới cách tiếp cận môn học bằng các phòng STEM, thậm chí mở rộng ra là giáo dục STEAM. Các phòng dạy nghệ thuật, họa, nhạc, khiêu vũ .. Những hoạt động đó giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn, vui vẻ, hạnh phúc hơn khi đến trường”. Ông Nam nhấn mạnh.
Tạo ra nhiều hoạt động và không gian để tăng hoạt động trải nghiệm cho học sinh, mang lại hiệu quả giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Giảm sĩ số để học sinh trải nghiệm tốt hơn
Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện các quận huyện có gần 50 trường học công lập ở 4 cấp học từ mầm non đến THPT thực hiện mô hình tiên tiến hiện đại, hội nhập quốc tế. Sĩ số học sinh tối đa 35 em/1 lớp, không gian thoáng mát, đủ các phòng học chức năng, giúp cho học sinh tăng hoạt động trải nghiệm. Mô hình này được rất nhiều phụ huynh học sinh ủng hộ và rất thuận lợi khi xây dựng trường học chất lượng cao, mang đến niềm vui học tập cho học sinh.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp cho biết, quận có 2 trường thực hiện mô hình này ở cấp tiểu học và THCS. Dự kiến trong năm học tới tiếp tục xây dựng mô hình này tại một số trường khác.
Mô hình trường công lập tiên tiến hội nhập quốc tế thuận lợi trong xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Trong ảnh: Trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp
Ông Phạm Phú Quốc Khánh, Phó hiệu trưởng trường THCS Phan Văn Trị cho biết, trường triển khai mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế được 5 năm, học sinh được học trong môi trường chất lượng tốt. Giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tổ chức các hoạt động tham quan thực tế, trải nghiệm và giáo dục STEM, mở rộng không gian lớp học ...
Trường đẩy mạnh đưa các môn năng khiếu vào chương trình buổi 2 giúp cho giáo dục toàn diện học sinh phát triển được Đức - Trí - Thể - Mỹ tốt nhất. Có các câu lạc bộ bơi lội, cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, hội họa, mĩ thuật, võ tự vệ … để học sinh yêu trường, mến lớp và vui vẻ. Đây là mô hình rất phù hợp với tiêu chí trường học hạnh phúc mà ngành giáo dục đang hướng tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, nói đến trường học hạnh phúc, nhiều người nghĩ đến việc phải đầu tư những ngôi trường thật hiện đại. Nhưng hạnh phúc, trước tiên phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ. Một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Điều đó nhờ phần rất lớn tình yêu thương thầy cô giáo, sự kết nối giữa gia đình và nhà trường.
Đặc biệt là sự quyết tâm sẵn sàng đổi mới của người đứng đầu các trường học, lấy học trò làm trung tâm, thì có thể xây dựng ngôi trường hạnh phúc ở trong điều kiện cụ thể,thậm chí còn khó khăn của nhà trường chứ không phải đợi có đủ mọi điều kiện tốt nhất.
Xây dựng bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc"
Dựa trên hơn 20 tiêu chí "Trường học hạnh phúc" của UNESCO, các chuyên gia đã tóm tắt thành 3 tiêu chí phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đảm bảo kết nối hài hòa giữa con người với thiên nhiên, kết nối với tri thức và kết nối giữa con người với con người.
1. Môi trường nhà trường (trường có cơ sở vật chất, trường học xanh, sạch đẹp, an toàn; quy tắc ứng xử trường học; đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần; tôn trọng sự khác biệt; thân thiện; cơ hội để phát triển).
2. Dạy học và hoạt động giáo dục nhà trường (tích cực học tập nâng cao năng lực chuyên môn; học tập, kiểm tra, đánh giá phù hợp; lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại tích cực; chuyển đổi số giáo dục...
3. Các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (giáo viên làm gương cho học sinh; giáo viên và học sinh hợp tác chia sẻ, phối hợp hiệu quả với cha mẹ..)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!