Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, để đánh giá tính khách quan và mức độ đồng thuận của cha mẹ học sinh, từ năm 2016, Sở đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đàn án Sữa học đường. Cụ thể, phát ra 260.695 phiếu, thu về 231.998 phiếu với kết quả là 84,4% phụ huynh đồng tình cho trẻ uống sữa tại trường.
Được biết, việc khảo sát ý kiến phụ huynh của Sở GD-ĐT TP.HCM gồm 9 tiêu chí như sau: Quý vị có đồng ý cho con uống sữa tại trường 5 lần/ tuần trong 9 tháng của năm học; học sinh (HS) diện nghèo và cận nghèo được uống sữa miễn phí (thành phố hỗ trợ 50%, doanh nghiệp sữa hỗ trợ 50% kinh phí; HS không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo: Thành phố hỗ trợ 30%, đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 20%, cha mẹ đóng góp 50% kinh phí cho con uống sữa tại trường; Sữa được dùng trong chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có đường, đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế tại QĐ 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 và là sản phẩm thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, thương hiệu quốc gia.
Đại diện cha mẹ HS sẽ tham gia giám sát thực hiện chương trình sữa học đường; Thực hiện thí điểm tại các quận/ huyện: huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận 2, quận 7, quận 9, quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận Tân Bình (trong năm 2018-2019); Thực hiện đại trà tại 24 quận/ huyện (trong năm 2018-2019); Thực hiện cho học sinh uống sữa tại trường từ 1-6 tuổi và Thực hiện cho học sinh uống sữa tại trường từ 3-6 tuổi.
Ngoài ra, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, trong quá trình xây dựng đề án, ngoài ý kiến của phụ huynh học sinh, Sở cũng đã tổ chức lấy ý kiến rất kỹ đối với tất cả các sở - ngành liên quan, với 24 quận/huyện. Ông Sơn cũng khẳng định, đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, không lấy việc tham gia hay không tham gia để đánh giá học sinh. Ông Sơn cam kết các loại sữa sử dụng trong đề án đảm bảo các điều kiện theo quy định và được đấu thầu công khai rộng rãi, đúng luật nên bất cứ công ty sữa nào đảm bảo điều kiện cũng có thể tham gia.
Đề án chương trình sữa học đường TP.HCM giai đoạn 2018-2020 có kinh phí gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng, còn lại phụ huynh học sinh sẽ đóng góp 50% kinh phí, khoảng 548 tỷ đồng. Học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Về tiến độ, dự án dự kiến triển khai ngay trong năm học 2018-2019 đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm HS tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong năm học 2019-2020 sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho HS bậc tiểu học lớp 1.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!