Tuần qua, lần đầu tiên, bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam được một tổ chức độc lập công bố. Đáng chú ý ngay sau khi công bố, bảng xếp hạng đã nhận được hàng loạt ý kiến trái chiều.
Lần đâu tiên, bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam được một tổ chức độc lập công bố
Trên BXH, một số trường đại học trẻ, ít được biết đến hơn nhưng lại chiếm thứ hạng cao trong bảng xếp hạng 49 trường đại học như Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân.
Trong khi đó những trường có tên tuổi và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi như các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại; Đại học Kinh tế quốc dân và Học viện Tài chính... xếp hạng trung bình. Còn Đại học y dược Hải phòng và Đại học Văn hóa xếp hạng 48 và 49.
BXH này căn cứ trên 3 tiêu chí để xếp hạng: Đào tạo - nghiên cứu khoa học - cơ sở vật chất và quản trị nhà trường. Trong đó, tiêu chí về nghiên cứu khoa học sẽ dựa trên số lượng các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín. Đây được xem như là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá uy tín, thứ hạng của các trường đại học.
Trên tờ Đại đoàn kết, một giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội băn khoăn khi trường có khoảng 2.300 cán bộ, nhân viên trong đó có khoảng 700 người phục vụ giảng dạy và phòng thí nghiệm. Do vậy, nếu chia số bài báo cho 700 cán bộ này thì không đúng vì họ không thể có các công trình khoa học để công bố các bài báo quốc tế. Việc tính toán số bài báo trên giảng viên chưa phù hợp.
Dựa theo tiêu chí này thì kết quả gần như đảo lộn thứ hạng của các trường sáng giá. Nguyên nhân được cho là sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt.
Tờ Thanh niên cảnh báo, nếu dựa theo tiêu chí này, có thể sẽ xảy ra tình trạng các trường đi "mua cầu thủ" (tức là thuê giảng viên viết bài báo, hoặc đạo văn, hoặc vô vàn cách để tăng con số xuất bản của các trường
Với bài viết "Cẩn trọng với bẫy xếp hạng đại học" tờ Thanh niên cảnh báo, nếu dựa theo tiêu chí này, có thể sẽ xảy ra tình trạng các trường đi "mua cầu thủ" - tức là thuê giảng viên viết bài báo, hoặc đạo văn, hoặc vô vàn cách để tăng con số xuất bản của các trường.
Trong một góc nhìn khác, tờ Đại biểu Nhân dân bình luận, việc đánh giá các trường đại học cần được nhìn lại với con mắt khách quan, vô tư hơn. Bởi cuối cùng vẫn là chất lượng đào tạo cử nhân, là nguồn lực tung ra xã hội có được các nhà tuyển dụng và các doanh nghiệp đón nhận không? Xếp bậc cao thấp ở bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào đều cần sự đo đếm một cách khoa học, chứ đâu phải cách làm ngẫu hứng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!