Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV/CBQLCSGDPT) thuộc khuôn khổ chương trình ETEP năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Dự Hội nghị có đại diện của 7 trường đại học sư phạm chủ chốt và Học viện Quản lý giáo dục tham gia chương trình ETEP và gần lãnh đạo, cán bộ đến từ 63 Sở GDĐT.
Tỷ lệ hoàn thành bồi dưỡng trên 100%
Báo cáo công tác bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT năm 2020, Giám đốc chương trình ETEP Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tài liệu bồi dưỡng hoàn thành muộn so với kế hoạch; các lớp bồi dưỡng trực tiếp bị dồn lại vào 3 tháng cuối năm gây khó khăn cho công tác tổ chức bồi dưỡng và việc sắp xếp thời gian của học viên.
Tuy nhiên, với nỗ lực của các trường đại học, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các Sở GDĐT, chương trình ETEP đã hoàn thành mục tiêu đề ra đối với bồi dưỡng các modul 2, 3 cho đội ngũ GV/CBQLCSGDPT cốt cán. Hơn 27.000 GVPT cốt cán đã tham gia bồi dưỡng modul 2, 3 với tỷ lệ hoàn thành bồi dưỡng đều trên 100% so với chỉ tiêu. Số lượng CBQLCSGDPT cốt cán tham gia bồi dưỡng và hoàn thành khóa học cũng đạt 110%. Nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp đại trà trong bồi dưỡng thường xuyên tại cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020, được 50% GV/CBQLCSGDPT cốt cán hoàn thành.
Đối với hoạt động bồi dưỡng đại trà, mặc dù có nhiều khó khăn trong năm 2020, nhưng nhiều Sở GDĐT đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai. Đến nay, đã có 45/63 Sở GDĐT thực hiện bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT đại trà modul 1, 2 trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS). Chương trình ETEP cũng đã hoàn thành tài liệu, học liệu bồi dưỡng cốt cán các modul 1,2,3,4 và tải lên hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS để phục vụ hoạt động bồi dưỡng. Các modul từ 5 đến 9 đang được các trường sư phạm triển khai xây dựng và sẽ hoàn thành trong tháng 5 để đưa vào bồi dưỡng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT có một số hạn chế. Trong đó, nổi bật là tình trạng thiếu hụt về số lượng GVPT cốt cán và sự mất cân đối về cơ cấu đội ngũ cốt cán ở một số môn học. Nhiều Sở GDĐT lựa chọn cốt cán chưa phủ hết các môn học/cấp học, một số học viên sau khi hoàn thành modul 1 lại không tiếp tục học modul 2, 3.
Nhiều phòng GDĐT không có GV cốt cán ở một số môn đặc thù như hoạt động trải nghiệm, nên việc hướng dẫn, hỗ trợ GV đại trà gặp khó khăn, tỉnh phải huy động cốt cán hỗ trợ nhiều huyện, dẫn đến một số GV cốt cán bị quá tải. Hiện nay, 41 sở GDĐT đã gửi đăng ký bổ sung, thay thế GVPT cốt cán về Ban Quản lý Chương trình ETEP để báo cáo Bộ GDĐT phê duyệt kế hoạch bổ sung.
Tiếp tục phát huy tính ưu việt của bồi dưỡng trực tuyến
Theo kế hoạch, năm 2021 việc bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT cốt cán sẽ tiến hành ở các modul 4, 5, 9 theo mô hình 7 ngày học trực tuyến trên hệ thống LMS -2 ngày bồi dưỡng trực tiếp với giảng viên sư phạm và 7 tiếp tục học trực tuyến và hoàn thành các bài kiểm tra đầu ra.
Đối với đội ngũ GV/CBQLCSGDPT đại trà, sẽ lựa chọn 3 trong tổng số 4 modul 3, 4, 5, 9 để tham gia bồi dưỡng trực tuyến. Các Sở GDĐT chưa hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng đại trà năm 2020 (modul 1, 2) cần tiếp tục hoàn thành trước khi triển khai modul 3 và các modul tiếp theo theo Kế hoạch của Bộ GDĐT.
Tại Hội nghị, 7 trường đại học sư phạm chủ chốt và Học viện Quản lý giáo dục đã bàn thảo cùng các Sở GDĐT trên địa bàn phụ trách để thống nhất kế hoạch thời gian, phương thức, nội dung bồi dưỡng và tháo gỡ các khó khăn trong bồi dưỡng cốt cán cũng như hỗ trợ đại trà.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, việc bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT năm 2020 đã chủ động, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Qua thực tế dạy học lớp 1 với nhiều tín hiệu tích cực, học sinh tự tin, tự chủ, giao tiếp và hợp tác tốt, các năng lực đọc viết, tính toán cũng tiến bộ hơn đã khẳng định GV/CBQLCSGDPT đã được tập huấn cẩn thận, hiệu quả.
Thành quả này, theo Thứ trưởng, có công sức của các nhà trường, giáo viên, địa phương và đặc biệt là các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia chương trình ETEP. Thứ trưởng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần cho bồi dưỡng lớp 1 để triển khai cho đội ngũ dạy lớp 2, 6 sẽ thực hiện CT GDPT mới từ năm học 2021-2022.
"Chúng ta đưa ra tuyên ngôn rõ ràng là tuyệt đối không bố trí giáo viên đứng lớp khi chưa qua bồi dưỡng. Nếu xảy ra tình trạng này thì là trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở GDĐT", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu rõ.
Thứ trưởng lưu ý các đơn vị thuộc Bộ, chương trình ETEP, các trường sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục, các địa phương một số vấn đề trong công tác bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT năm 2021. Theo đó, việc đầu tiên là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT thực hiện CT GDPT mới.
Bên cạnh đó, nhận thức là một quá trình, không phải 3 hay 7 ngày bồi dưỡng là có giáo viên tốt, nhưng nếu hàng ngày giáo viên đều bồi dưỡng thì nhận thức sẽ dần thay đổi và năng lực theo đó tiến bộ hơn. Việc bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, trong quá trình làm việc, cùng với ứng dụng của CNTT mà chương trình ETEP đang triển khai, do đó là cần thiết, ưu việt, cần tiếp tục tiến hành hiệu quả.
Hoạt động bồi dưỡng GV/CBQLCSGDPT lần này có nhiều điều mới nên cần đặc biệt coi trọng tính kế hoạch. Việc xây dựng kế hoạch và quản lí thực hiện kế hoạch phải rõ ràng, khoa học, trên tinh thần phân công rõ người kín việc, phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt.
Các trường đại học sư phạm được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu, cần quan tâm xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng để sớm cung cấp cho giảng viên, giáo viên sử dụng bồi dưỡng. Đối với modul 5 và 9, thời hạn hoàn thành tài liệu là trước 30/4; các modul còn lại là trước 30/5. Việc tổ chức các khóa bồi dưỡng cố gắng thực hiện trong dịp hè để GV/CBQLCSGDPT thuận tiện tham gia.
Các Sở GDĐT khi lựa chọn đội ngũ cốt cán cần đảm bảo đúng quy định về tiêu chuẩn, số lượng. Công tác bồi dưỡng đại trà cần quan tâm triển khai. Những địa phương nào chưa hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng đại trà năm 2020 cần báo cáo khó khăn với lãnh đạo tỉnh để có hướng chỉ đạo thực hiện đáp ứng yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị đơn vị chuyên môn của Bộ và chương trình ETEP tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị được đưa ra trong Hội nghị, từ đó nghiên cứu tìm giải pháp hỗ trợ để hoạt động bồi dưỡng được tiến hành đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu CT GDPT mới đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!