Việt Nam mong muốn WB hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới

PV-Thứ ba, ngày 22/11/2022 01:27 GMT+7

VTV.vn - Chiều 21/11, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới.

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ GDĐT đặc biệt coi trọng mối quan hệ này hợp tác với Ngân hàng Thế giới, đồng thời cho biết, hiệu quả từ các dự án đầu tư của Ngân hàng thế giới đã có tác động rất quan trọng với giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Việt Nam mong muốn WB hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Nhắc tới một số dự án như: Dự án xây dựng Trường Đại học Việt Đức; Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Bộ trưởng cho rằng, nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để xây dựng Trường Đại học Việt Đức là một sự đầu tư hiệu quả; còn đối với dự án ETEP, đây là chương trình có đóng góp rất quan trọng trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, cụ thể là triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng cũng đề cập tới Dự án SAHEP về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, triển khai ở 3 cơ sở đào tạo là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Dự án hỗ trợ để phát triển 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội, TP.HCM) và Đại học Đà Nẵng.

Việt Nam mong muốn WB hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc

Chia sẻ các ý tưởng, mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới, vấn đề Bộ trưởng nhắc đến đầu tiên liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới. Cùng với đó là khảo sát, đánh giá mức độ đạt được trong triển khai Chương trình GDPT 2018 khi Chương trình này phủ toàn bộ các khối lớp đến năm 2025; từ đó có được đề xuất những bước đi tiếp theo đối với giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ để bảo tồn tiếng dân tộc thiểu số, ít người. Với mục đích làm sao để trẻ em được học tập bằng tiếng mẹ đẻ. Trước mắt là Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo giáo viên, xây dựng học liệu, tổ chức dạy học và xây dựng các trường nội trú, bán trú ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Liên quan đến giáo dục đại học, dự án SAHEP đang ở giai đoạn cuối cùng, trong khi nhu cầu các trường đại học còn rất lớn. Do đó, Bộ trưởng đặt vấn đề có bước triển khai tiếp theo bằng dự án tương tự như SAHEP và cố gắng có được nhiều trường đại học tham gia hơn. Bộ trưởng cho rằng, việc các trường đại học được tiếp cận với các nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới là rất quan trọng; từ đó tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, thí nghiệm; đặc biệt là các trường kỹ thuật, công nghệ và các trường sư phạm.

Việt Nam mong muốn WB hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới - Ảnh 3.

Ông Cristian Aedo, phụ trách giáo dục khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới tại buổi làm việc.

Đánh giá cao hiệu quả hợp tác với giáo dục Việt Nam, ông Cristian Aedo, phụ trách giáo dục khu vực Đông Nam Á, Thái Bình dương của Ngân hàng Thế giới thể hiện ấn tượng với kết quả của các dự án, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục phổ thông.

Bày tỏ đồng tình với những đề xuất của Bộ trưởng, theo ông Cristian Aedo, đây cũng là những vấn đề mà Ngân hàng Thế giới ưu tiên. Năm 2023 kỷ niệm 30 năm hợp tác về giáo dục với Việt Nam, ông Cristian Aedo cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng, hy vọng có một sự kiện chung để chúc mừng về sự hợp tác lâu dài trong những năm qua. Đồng thời, mong rằng hai bên sẽ tiếp tục mở rộng, tăng cường mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước