Chiều 9/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hòa Bình và các thành viên BCĐ tham dự buổi làm việc.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GDDT làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình chiều 9/7
Hòa Bình tự tin tổ chức tốt kỳ thi năm nay
Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hòa Bình cho biết, toàn tỉnh có hơn 9.200 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong đó có trên 7.600 thí sinh THPT - chiếm tỷ lệ 89,5%; 896 thí sinh GDTX - chiếm tỷ lệ 10,5% và 700 thí sinh tự do - chiếm tỷ lệ 7,6%.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hòa Bình có 37 điểm thi với 398 phòng thi, 21 phòng chờ. Các điểm thi được bố trí tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi đúng quy định, thí sinh GDTX và thí sinh tự do không quá 40% trong mỗi điểm thi. Nhân sự tham gia các khâu tổ chức kỳ thi là 2.330 người, tăng 700 người so với năm 2019.
Tỉnh Hòa Bình đã thành lập Tổ nhận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và Ban in sao đề thi. Dự kiến Ban in sao đề thi bắt đầu làm việc từ ngày 20/7/2020. Khu vực in sao đề thi là địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ suốt thời gian sao in đề thi, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy chữa cháy. Công an tỉnh đã có kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối Ban sao in đề thi.
"UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Chỉ đạo và phân công cụ thể các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người nhà thí sinh ở tất cả các điểm thi. Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn - không để thí sinh phải bỏ thi về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khó khăn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cho hay.
Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình |
Chia sẻ về những nỗ lực của tỉnh Hòa Bình để "vượt qua sự cố" từ kỳ thi năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho hay, "sự cố" là bài học sâu sắc cho Hòa Bình để năm 2019 không còn lặp lại nữa. "Trải qua thăng trầm, tỉnh Hòa Bình tự tin tổ chức tốt kỳ thi năm nay. Mục tiêu cao nhất của tỉnh là có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và công bằng", ông Bùi Văn Khánh nói.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Hòa Bình, đồng thời lưu ý tỉnh Hòa Bình phải chu đáo đến từng khâu nhỏ nhất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT được cả nước quan tâm, do đó cần chú trọng đến an toàn, nghiêm túc trên mọi phương diện, tuyệt đối không chủ quan bất cứ khâu nào".
Theo Bộ trưởng, đối với thi dù cẩn thận đến mấy vẫn không thể nói là yên tâm, có những việc tưởng chừng nhỏ nhưng xảy ra vào thời điểm tổ chức thi như mưa lũ, thiên tai sẽ làm ảnh hưởng lớn tới kỳ thi. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải có kịch bản ứng phó với mưa lũ và lường trước mọi tình huống có thể xảy ra trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Sẵn sàng bước vào năm đầu tiên thực hiện chương trình mới
Thông tin về công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cho biết, tỉnh Hòa Bình đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
"Hiện ở bậc tiểu học, toàn tỉnh Hòa Bình có 3.465 phòng học, đạt tỷ lệ 1,04 phòng/lớp, 100% phòng họp đạt chuẩn theo quy định, 100% trường tiểu học, trường tiểu học và THCS có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới, có tinh thần và sẵn sàng đổi mới", ông Chương chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi tại buổi làm việc. |
Lưu ý với tỉnh Hòa Bình về một số nhóm vấn đề cần tập trung thực hiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, tỉnh Hòa Bình cần sớm hoàn thiện chương trình, tài liệu giáo dục địa phương, sớm công nhận tài liệu này để đưa vào chương trình dạy học.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên, trước mắt là giáo viên dạy lớp 1, chú trọng công tác tập huấn giáo viên - để giáo viên yên tâm, sẵn sàng triển khai chương trình mới. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trường lớp, trong đó việc sắp xếp, dồn dịch trường lớp phải được tính toán để phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Gợi ý Hòa Bình cần xây đề án phát triển đội ngũ giáo viên và đề án đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, đề án sẽ giúp địa phương chủ động về đội ngũ, từ đó có kế hoạch điều chỉnh thừa - thiếu giáo viên, chủ động làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, khắc phục được tình trạng đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục thiếu đồng bộ như thời gian vừa qua.
Bộ trưởng cũng gợi mở cho Hòa Bình về việc xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực cho địa phương dựa trên những nghiên cứu, dự báo sát với nhu cầu thực tế trong 5 năm tới. "Với 3 đề án này, nhiều "nút thắt" cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo của Hòa Bình sẽ được giải quyết", Bộ trưởng nói.
Cảm ơn những gợi mở của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từ vấn đề đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho đến phát triển nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh khẳng định: "Tỉnh Hòa Bình đã sẵn sàng bước vào năm học mới, sẵn sàng bước vào năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!