Đây là nội dung nổi bật trong Kế hoạch truyền thông GDNN được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành mới đây.
Mục tiêu chung được Bộ đặt ra: Giai đoạn 2021-2025 tập trung xây dựng, phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống nền tảng số; không gian công cộng; các điểm văn hóa, du lịch, công viên, phương tiện giao thông công cộng… tiến tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp để truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân và toàn xã hội; lan tỏa sâu rộng hình ảnh, giá trị giáo dục nghề nghiệp trong đời sống kinh tế xã hội; nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh giáo dục nghề nghiệp; thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp.
Đối tượng tuyên truyền cũng được xác định rõ trong Kế hoạch truyền thông giáo dục nghề nghiệp:
- Người học tiềm năng: Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và gia đình; lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự…
- Người học: Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học…
- Doanh nghiệp, người sử dụng lao động: Các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế.
- Các cấp ủy, đảng; các cơ quan quản lý: Cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp); cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các Bộ, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
- Các tổ chức quốc tế: Các tổ chức quốc tế có hợp tác về giáo dục nghề nghiệp nghiệp với Việt Nam, đang hợp tác, đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
- Người dân và các đối tượng khác.
Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tổng hợp báo cáo kết quả tuyển sinh của các địa phương, năm 2020, cả nước tuyển được 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch năm, vượt kế hoạch năm 2020. Trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 580.000 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác đạt 1,7 triệu người (đạt 101,2% kế hoạch năm). Trong năm nay, 2021, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh được 2,5 triệu người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!