Ngày 4/10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Hội Thư viện Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam tổ chức hội thảo "Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở", với sự tham gia của đại diện nhiều trường đại học trên cả nước.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Theo cách hiểu như đa số các nhà nghiên cứu đã thống nhất thì tài nguyên giáo dục mở sẽ bao gồm: Các kho thông tin, các nguồn dữ liệu phục vụ giáo dục; các chương trình giáo dục khác nhau, đa dạng; các loại sách chứa đựng những nội dung thông tin theo tinh thần tự do học thuật, sách giáo khoa điện tử và các loại học liệu mở; các phương tiện dịch thuật để giúp người đọc vượt qua rào cản ngôn ngữ; hệ thống thư viện mở (nhất là thư viện điện tử) dùng chung và các phần mềm kết nối truy cập trong cộng đồng giữa các trường, các đơn vị và tổ chức, kể cả giữa các nước; ngân hàng đề thi và các hướng dẫn để tự đánh giá, thi cử, tự kiểm định chất lượng; cấp phép mở và các quy định về trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả…
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ngày xưa nhiều lúc không biết đọc gì vì không có gì để đọc. Ngày nay, nhiều lúc cũng không biết đọc gì vì có quá nhiều thứ để đọc. Với một khối lượng thông tin khổng lồ mà thời gian thì có hạn, làm sao để người học có thể tiếp cận được nhanh và nhiều nhất những giá trị tinh hoa. Do vậy, tài nguyên giáo dục mở vừa là cầu nối vừa là cách thức để sử dụng có hiệu quả tài nguyên thông tin vô tận.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã thảo luận sâu về xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở; kiến nghị về chính sách, cơ chế, thể chế, khung pháp lý và xây dựng hạ tầng cho vấn đề này.
Theo các đại biểu, trong những năm gần đây, tình hình sử dụng tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học Việt Nam cho thấy mức độ tích cực của việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở cho mục đích đào tạo và học tập là khá cao. Giảng viên, sinh viên đã khai thác tài nguyên mở như một trong những nguồn học liệu quan trọng. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ ra những rào cản trong quá trình triển khai tài nguyên giáo dục mở. Trong đó, khó khăn lớn nhất khi xây dựng, phát triển tài nguyên giáo dục mở là vấn đề pháp lý trong quyền sở hữu trí tuệ, thứ hai là chưa có sự tham gia hợp tác chặt chẽ của các trường đại học trong phát triển tài nguyên giáo dục mở. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để xây dựng hệ thống này còn khó khăn. Các giảng viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia là những người tạo ra nội dung nhưng họ chưa sẵn sàng cung cấp tác phẩm của mình do chưa có sự đảm bảo về mặt bản quyền. Ngoài ra, còn những khó khăn về mặt công nghệ và vấn đề kinh phí xây dựng, phát triển tài nguyên giáo dục mở.
Đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ rào cản trong việc hình thành, xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở, đại diện các trường đại học cho rằng: Nhà nước cần xây dựng những văn bản pháp lý liên quan, đây sẽ là "mỏ neo" để các trường đại học, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia phát triển tài nguyên giáo dục mở. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các nhà quản lý trong trường đại học về phát triển tài nguyên mở và xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho việc này.
Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng mô hình hợp tác phát triển tài nguyên giáo dục mở phù hợp với điều kiện đất nước. Trên thực tế, không có mô hình nào là hoàn hảo cho tất cả các quốc gia. Trong giáo dục đại học, Chính phủ, các nhà quản lý cũng cần xem xét các điều kiện cụ thể về nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ để lựa chọn những điểm phù hợp nhất khi triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!