11h05, ngày 17/11: Xu hướng lai căng trong ngôn ngữ văn hóa Việt

CDS-Thứ hai, ngày 19/11/2012 00:00 GMT+7

Biển hiệu của một khách sạn tại Hải Dương (Nguồn ảnh:chaobuoisang)

Nước ta đang trong giai đoạn hội nhập, bên cạnh việc vay mượn ngôn ngữ và làm giàu văn hóa trong quá trình phát triển, vẫn tồn tại hiện tượng bị du nhập không ít cái xấu từ văn hóa lai căng ngôn ngữ.

Theo quan niệm từ xa xưa, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Ngôn ngữ cũng là tấm lăng kính phản ảnh khá trung thực hình thái xã hội và văn hóa của con người. Nhìn vào thực trạng ngôn ngữ có thể đánh giá xã hội đang ở giai đoạn nào, cũng như các hình thái khác của xã hội thời kỳ đó ra sao.
Dễ nhận thấy, ở nước ta ngôn ngữ “Tây hóa” tràn lan trên khắp mọi nẻo đường, trên các biển quảng cáo, cửa hàng, cao ốc cho đến nghệ danh, thậm chí tên con cái. Vậy đây chỉ là hiện tượng nhất thời hay một xu hướng báo động?
Chỉ xét riêng thị trường giải trí Việt, hàng loạt album đặt theo tên nước ngoài hoặc nửa Anh nửa Việt, phần lớn các ca sỹ diễn viên với đủ kiểu tên Tây, Tàu, Hàn, Nhật từ Akira Ph, Kiwi NMT, Noo PT, Midu…Thoạt đầu cứ ngỡ họ là ca sỹ nước ngoài hoặc Việt kiều, nhưng đa phần lại là người Việt Nam đang hoạt động tại Việt Nam 100%.
Cũng không khác hơn, các quán ăn, các siêu thị, cao ốc cũng được lạm dụng tiếng nước ngoài một cách thái quá như Golden Plaza (Hàng Trống), Golden Lake (Hàng Mành), Luxury (Phủ Doãn), Mike’s Amazing (Hàng Phèn), Sunshire 1, Sunshire 3 (Mã Mây), Triumphal, Rising Dragon 2 (Hàng Gà), Prince II (Hàng Giầy).
Thay vì cửa hàng hay hiệu, người ta thấy đầy rẫy những shop men, shop Fashion, shop Thuỷ, Baby' shop. Thay vì giảm giá, người ta thấy vô số những cụm từ Sale hay Sale off. Rồi Shoes (giầy), Veston (áo vét tông), Complet (com lê), leather (đồ da)... được dùng để thay cho các từ ngữ hay biển hiệu tiếng Việt, ngay cả ở những nơi mà có lẽ, cả năm không có người nước ngoài nào đến thăm.
Đáng báo động hơn, một số miền quê miền Trung có trào lưu đặt tên con bằng tiếng Anh như Sony, Apple, Mishibushi.. .và việc một số bé được gia đình cho học trường quốc tế quá sớm đang có nguy cơ mất nét văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ khi mà có khá nhiều em không có khả năng hiểu tiếng Việt.
Các nước châu Á vẫn phát triển du lịch và ý thức tự tôn ngôn ngữ dân tộc họ đặt rất coi trọng như Nhật, Hàn Quốc…Các biển hiệu ở các nước châu Á khác, tiếng mẹ đẻ luôn được đặt vị trí trang trọng, tiếng nước ngoài thường ở vị trí thứ yếu.
Ai không đọc được phải tự khắc phải tìm hiểu để đọc được. Đó là lòng tự tôn dân tộc về ngôn ngữ. Đó là văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Nước ta đã gia nhập WTO gần 10 năm, ngang hàng với các nước khác, nhưng dường như ta lại bị “lấn sân” về ngôn ngữ. Các nước lớn mỗi năm bỏ ra hàng trăm triệu USD để quảng bá, phổ cập, phổ biến tiếng của nước họ ra toàn thế giới, trong lúc đó tiếng Việt của ta, tiếng mẹ đẻ ta lại không coi trọng.
Suốt từ năm 1984 (thời điểm mà Bộ Giáo dục ban hành Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt), chưa có bất kỳ một văn bản nào của Nhà nước quy định về chuẩn hóa tiếng Việt. Có lẽ vì thế mà càng ngày, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng được người ta nói đến nhiều hơn.
Rõ ràng, tính cấp thiết của việc ban hành quy chuẩn ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam là điều không thể chậm trễ. Vì hoạt động ấy chính là cách “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” một cách đúng đắn nhất, phù hợp nhất với điều kiện phát triển hiện nay của xã hội. Và đó cũng chính là cách mới có thể cấp cho tiếng Việt những điều kiện để nó hoàn thành nhiệm vụ là ngôn ngữ quốc gia của nhà nước Việt Nam hội nhập và phát triển.
Kính mời quý khán giả theo dõi chuyên mục Câu chuyện văn hóa: Báo động xu hướng lai căng trong ngôn ngữ văn hóa Việt phát sóng lúc 11h05 ngày 17/11 trên kênh VTV1.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước