Mùi vị ly cà phê chồn có khác gì cà phê vỉa hè; một miếng thịt bò Kobe vài chục triệu có khác biệt gì với loại thịt bò vài trăm ngàn/kg, sáo trúc thật khác sáo ống nước như thế nào… Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản đó lại chính là thử thách để các sao Việt có cơ hội so kè về độ sành điệu và hiểu biết của mình. Ranh giới giữa bậc thầy siêu hạng và bậc thầy giả mạo, do đó cũng rất mong manh.
Mỗi tập phát sóng, Ai là bậc thầy chính hiệu gồm có 10 người nổi tiếng được chia làm 5 đội chơi. Cả 5 đội sẽ lần lượt trải qua những thử thách khác nhau của chương trình để chứng tỏ họ có thể biết thưởng thức và phân biệt sự khác nhau giữa những sản phẩm có giá trị đắt tiền và những sản phẩm rất bình dân bằng chính các giác quan của họ: từ vị giác, thính giác, thị giác, khứu giác và cả trực giác…
Những thử thách này sẽ liên quan đến các món đồ ăn, thức uống, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các loại nhạc cụ… Các nghệ sĩ phải chứng tỏ họ là những người hiểu biết và có thể phân biệt được giá trị của các sản phẩm, món ăn,… khác nhau qua từng vòng thử thách.
Mỗi vòng thử thách sẽ có 2 sự lựa chọn A và B với các vật mẫu thử có giá trị cao được sắp xếp ngẫu nhiên. Yêu cầu của người chơi sau khi thử sản phẩm, món ăn, phải đưa ra đáp án và vào căn phòng tương ứng trước khi đáp án cuối cùng được đưa ra. Mỗi số phát sóng dù chỉ có 4 câu hỏi (lần lượt các vòng là: thử thách vị giác, thính giác, vị giác, thị giác), không mang tính đánh đố người chơi nhưng để trả lời đúng đòi hỏi sự tinh ý, nhanh nhạy và kết hợp rất nhiều giác quan khác nhau.
Điểm thú vị nhất của Ai là bậc thầy chính hiệu chính là trải qua mỗi câu hỏi, các đội chơi sẽ có danh hiệu khác nhau, đi kèm với đó là những quyền lợi cũng không hề giống nhau.
Một điều thú vị không kém, việc đạt cấp độ nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người chơi tại hiện trường với những "biệt đãi" mà họ nhận được. Nếu ở xuất phát điểm, trong phòng chờ các đội đều được phục vụ theo tiêu chuẩn hạng A: ghế nệm sang, ly pha lê, rượu vang. Để được tiếp tục phục vụ chuẩn này, buộc họ phải trả lời đúng, nếu không sẽ lần lượt bị giáng hạng.
Sự phân cấp độ và hạng này sẽ mang đến cuộc cạnh tranh khốc liệt vì hầu hết không có nghệ sĩ nào mong muốn mình phải ngồi chiếu manh, ghế gỗ hay chỉ được phục vụ nước lọc. Đây cũng là điểm thu hút, mang đến kịch tính và những màn "đấu đá", hài hước cho chương trình.
Sau cả 4 vòng thi, cặp đôi nghệ sĩ nào còn giữ được vị trí "bậc thầy siêu hạng‘’ chứng tỏ họ chính là những người sành điệu thứ thiệt và được các cặp đôi khác hết sức ngưỡng mộ.
Đảm nhận vai trò MC của chương trình là 2 cái tên đã khá quen thuộc với khán giả: Đại Nghĩa và Bạch Công Khanh.
Ở xuất phát điểm, các đội chơi cùng đồng hạng Bậc thầy "siêu hạng", được ngồi ghế bọc nhung sang trọng, bảng tên nạm vàng nhũ, mang giày cao cấp hạng A.
Qua mỗi câu hỏi, nếu trả lời đúng, mỗi đội chơi sẽ giữ vững vị trí ban đầu của mình, nếu sai họ sẽ lần lượt bị tụt xuống các thứ hạng với những quy chuẩn riêng. Cụ thể:
- Cấp độ thứ 2: "Bậc thầy" tiêu chuẩn: tương đương hạng B là ghế gỗ, bảng tên nạm bạc, dép loại B.
- Cấp độ thứ 3: "Bậc thầy" nghiệp dư: là ghế da xếp, dép nhựa lào và tấm biển nhựa màu xanh
- Cấp độ thứ 4: "Bậc thầy" tập sự là ghế gỗ, đi dép tổ ong và tấm biển mica trắng
- Cấp độ thấp nhất: "Bậc thầy" giả mạo chỉ được ngồi trên chiếu manh, đi tất trần và có tấm biển làm từ bìa cat-ton
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!