Ảnh: Nhà báo Tạ Bích Loan tại Liên hoan truyền hình Thanh thiếu niên quốc tế (Ảnh: VTV)
Người xem nhỏ tuổi học được gì từ truyền hình, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc truyền hình cung cấp những gì là chủ yếu cho các em. Một nghiên cứu cho thấy, trẻ em ở Đức học được kiến thức, còn ở Mỹ chủ yếu học được mô hình ứng xử qua truyền hình. Làm thế nào để truyền hình cung cấp được nhiều thông tin phù hợp với sự phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai hơn, đó là đề tài thảo luận của các đạo diễn và nhà quản lý truyền hình đến từ 70 nước trên thế giới tham dự Liên hoan truyền hình Thanh thiếu niên quốc tế tại Munich (Đức).
Đây là lần đầu tiên Đài Truyền hình Việt Nam tham gia các cuộc thảo luận và giới thiệu về các dự án dành cho trẻ em. Đó là chương trình “I GOT IT” hợp tác với 8 nước trong khu vực để sản xuất và trao đổi chương trình dành cho thiếu nhi. Mục đích của chương trình giúp các khán giả từ 8-12 tuổi khám phá những điều thú vị trong cuộc sống một cách trực quan, sinh động. Chương trình “I GOT IT” đã được thực hiện 2 mùa năm 2010 và 2011, mỗi mùa 26 tập. Mỗi đài Truyền hình sản xuất từ 2-4 tập (VTV sản xuất 4 tập) nhưng đều được phát sóng cả 26 tập với người dẫn chương trình của nước đó. Các em nhỏ trong khu vực (trong đó có trẻ em Việt Nam) đón nhận những tập phim rất hào hứng vì nội dung hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi.
Các cuộc thảo luận tại Liên hoan cho thấy, chìa khoá để có những chương trình truyền hình có giá trị giáo dục là việc tìm hiểu cơ chế tiếp nhận thông tin của người xem.
Bộ não của chúng ta thu nhận và xử lý thông tin tuy khác nhau, nhưng đều tuân theo một số quy luật chung về trí nhớ. Ví dụ như chúng ta nhớ lại cảm xúc trước khi nhớ đến con số hay sự kiện, hoặc trong cùng một thời điểm trí nhớ chỉ thu nạp được khoảng 5 sự vật hiện tượng. Chương trình truyền hình dành cho trẻ em nếu không tính đến những yếu tố tâm lý như vậy thì khó có thể đạt được hiệu quả tiếp nhận thông tin.
Những người làm chương trình trên toàn cầu gọi trẻ em là đối tượng quý giá nhất của truyền hình, của xã hội. Và khách hàng quan trọng này cần được sự quan tâm thích đáng với cách tiếp cận đúng với lứa tuổi nhằm giúp các em tự mở cánh cửa nhìn ra thế giới. Được cổ vũ cho sự tự khám phá, tự học hỏi, các em sẽ không bị bối rối khi bước vào đời và sẽ tự tin nắm lấy tương lai.