Tết đồng nghĩa với một kỳ nghỉ dài. Dù là về quê hay tranh thủ xả hơi ở "một nơi rất xa" thì với những người say tàu xe, quãng đường ấy có thể là một cực hình. Cùng tham khảo những tuyệt chiêu dân gian để "tạm biệt" nỗi ám ảnh say tàu xe qua chương trình Thời tiết này đi đâu? phát sóng vào 18h50 trên VTV3 và 21h30 trên VTV1 tối nay (18/1).
1. Gừng:
Trước khi khởi hành 30 phút, bạn nên uống một cốc nước ấm có gừng giã hoặc ngậm 1 lát gừng tươi. Nếu không có gừng tươi thì có thể ngậm kẹo gừng. Bạn cũng có thể dán một lát gừng vào rốn.
Tuy thế, cần chú không nên áp dụng cho uống gừng tươi cho trẻ em dưới 2 tuổi; những người đang điều trị huyết áp cao, phụ nữ đang mai thai gần đến ngày sinh, người đang điều trị chống đông máu hay đang dùng thuốc tiểu đường.
2. Vỏ quýt tươi:
Trước khi lên xe khoảng 1 tiếng, bạn hãy bóc vỏ quýt tươi, nặn để tinh dầu của vỏ quýt hướng vào trong mũi. Tinh dầu có trong vỏ quýt giúp an thần nhẹ, chống co thắt dạ dày và có thể giúp bạn lấy lại sự tỉnh táo cần thiết khi đi tàu xe. Vỏ cam hay vỏ bưởi cũng có tác dụng tương tự.
3. Ngồi cùng hướng với xe và không đọc sách báo, xem điện thoại:
Chuyển động của xe, những thay đổi phương hướng và vận tốc gây ra kích thích đối với tai trong (gồm ốc tai và tiền đình). Do chuyển động đó không tương hợp với chuyển động của mắt nên gây chóng mặt, buồn nôn… Vì thế, bạn cần ngồi cùng hướng với chuyển động của xe và không ngồi quay ngược lại.
Nếu say xe, bạn nên hạn chế nhìn vào những vật ở gần, như đọc sách hay xem điện thoại. Thay vào đó, hãy cố gắng nhìn ra các điểm càng xa càng tốt, để giúp não xác định tín hiệu rằng bạn đang di chuyển.
Rapper Lê Hoàng Phong mách nước cách chống say tàu xe.
4. Bấm huyệt: Thông dụng nhất là bấm huyệt nội quan và huyệt hợp cốc
Huyệt nội quan: "Nội quan" nghĩa là cửa ải quan trọng phía trong, nơi kinh khí vào ra. Tác động vào huyệt nội quan giúp điều hòa dạ dày, trấn tĩnh, điều hòa khí, an thần.
Cách tìm huyệt: Nằm ở mặt trước cẳng tay, khe giữa 2 gân cơ gan tay, gân cơ gấp dài ngón cái, gân cơ gấp chung ngón cái, cơ gấp vuông. Thân dây thần kinh giữa, thần kinh trụ, từ lằn cổ tay đo lên 2 tấc giữa 2 gân cơ gang tay lớn và gang tay bé.
Cách bấm: Tay trái ngửa, bốn ngón tay phải ôm lấy cổ tay, ngón cái bấm vào vị trí huyệt, bấm nhẹ nhàng, thời gian từ 5 - 10 phút.
Huyệt hợp cốc: Chữa các bệnh phát sinh ở vùng đầu, điều hòa dạ dày, đường ruột.
Cách tìm huyệt: Xòe rộng bàn tay, sờ vào vùng lõm của điểm giao kết giữa ngón trỏ và ngón cái, phần lõm sâu sát với xương nối chính là huyệt hợp cốc.
Cách bấm: Dùng ngón cái của tay này để bấm huyệt cho tay kia. Dùng lực hơi mạnh, bấm sao cho có cảm giác tê tức đến khó chịu. Day bấm luân phiên cả hai tay, liên tục trong từ 10 đến 15 phút.
5. Nhẩm đọc "thần chú" 720.640: Đây là cách chữa phối hợp với khí công, chu dịch và y học truyền thống.
Nhẩm đọc một nhóm số nhất định là hình thức tập trung tư tưởng, giúp thư giãn tinh thần. Ngoài ra, theo quan niệm thiên nhân tương ứng của khí công cổ đại, mỗi tượng số có liên quan đến khí hóa của một hành, một tạng hoặc phủ nhất định trong cơ thể. Say tàu xe theo Đông y là triệu chứng của rối loạn khí. Liệu pháp này giúp điều tiết, cân bằng, ổn định chân khí, là biện pháp dưỡng sinh, không gây ra phản ứng phụ.
Cách đọc: Đọc với nhịp độ vừa phải, để tâm tĩnh, ghi nhận rõ ràng từng số một. Chỉ đọc thầm, không nên đọc lớn để tránh tán khí.
Thời tiết này đi đâu? là bản tin thời tiết - du lịch được phát sóng vào 18h50 trên VTV3 và 21h30 trên VTV1 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Ngoài các thông tin cập nhật về thời tiết, Thời tiết này đi đâu? còn "mách nước" những "bí kíp" không thể bỏ qua để khán giả có những trải nghiệm tuyệt vời khi đi du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!