Độc đáo phục trang phim "Trò Đời"

Bài và ảnh: Thủy Ngân-Thứ ba, ngày 19/02/2013 07:08 GMT+7

Các nhân vật trong phim đều được thiết kế trang phục riêng.

Tái hiện xã hội Việt Nam giai đoạn 1930 - 1940 khi phong trào Âu hóa đang có sự tiếp biến mạnh mẽ với văn hóa truyền thống, trang phục là một trong những điểm nhấn ấn tượng đối với phim Trò đời.

Đầu tư kỹ lưỡng

Để tái hiện lại không khí xã hội, tính cách nhân vật… một cách chính xác nhất trong bộ phim Trò đời, nhà thiết kế Nguyễn Thị Thu Hà – Giảng viên khoa Thiết kế mĩ thuật, Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội, chịu trách nhiệm chính phục trang cho phim đã phải trăn trở và miệt mài sáng tạo trong một thời gian dài.

Dựa trên các nghiên cứu cụ thể, gần 200 bộ trang phục đều được may mới hoàn toàn với sự phong phú trong chất liệu cũng như màu sắc và kiểu dáng, tạo nên một thể thống nhất cho phong cách nghệ thuật của phim, đồng thời vẫn tạo ra điểm nhấn cho từng nhân vật. Trong quá trình ghi hình hơn 4 tháng, tổ phục trang cũng từng bước hoàn thiện thêm cho trang phục của từng diễn viên, trong từng cảnh quay.

Đối với những cảnh quay lớn, tập trung đông đảo đội ngũ diễn viên như: Đám tang cụ Cố Hồng, sân quần, đình làng… đòi hỏi số lượng phục trang cho diễn viên lên tới hàng trăm bộ.

Đơn cử, một đại cảnh tại trường đại học Dược Hà Nội, một cảnh quay quan trọng thể hiện bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời Xuân tóc đỏ, từ thằng nhặt ban trở thành một vĩ nhân, một anh hùng cứu quốc. Rất đông diễn viên tham gia, lên tới 120 người.

‘ 120 người đồng nghĩa với việc có 120 bộ trang phục phải chuẩn bị. Một con số không hề nhỏ với một cảnh trong phim truyền hình. Nhưng điều đáng nói là toàn bộ trang phục ở đây đều rất đặc biệt.

Cũng là những anh nhà báo, những viên cảnh sát, những thiếu nữ Hà Nội nhưng bộ trang phục họ mặc lại hoàn toàn khác ngày nay.... Từng đường nét, thiết kế mang dáng dấp của những năm 1930-1945, thời kì trang phục truyền thống Việt có sự tiếp biến mạnh mẽ với các trang phục Tây Phương. Đây là giai đoạn phong trào Âu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến lối ăn mặc của tất cả các tầng lớp trong xã hội.

Nói về đặc trưng trong trang phục giai đoạn thời kỳ 1930 – 1940 nhà thiết kế Thu Hà chia sẻ: “Đặc trưng nhất của trang phục thời kỳ đó là về màu sắc, rõ ràng là êm đềm hơn rất nhiều vì màu sắc của thời đó chủ yếu là nhuộm tự nhiên. Các loại vải cũng là các loại vải bằng sợ tự nhiên, vải lụa tơ tằm, vải sợ bông, sợi đũi đều làm từ chất liệu tự nhiên nên màu sắc cũng mang màu sắc tự nhiên gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn”.

“Lên” nhân vật từ… phục trang

Theo thống kế của nhà thiết kế Thu Hà, trong phim, các nhân vật nữ chính như bà Phó Đoan, cô Tuyết hay Vi Cầm… phải có từ 15 – 20 bộ trang phục chưa kể những phụ kiện kèm theo, để đảm bảo không bị trùng lặp trong cả bộ phim.

Những vai nam chính như Xuân tóc đỏ, Văn Minh, Typn cũng cần tới hơn 10 bộ quần áo. Đối với nhân vật trung tâm Xuân tóc đỏ, mỗi giai đoạn trong cuộc đời Xuân là một lần thay đổi tạo hình, thay đổi trang phục từ một thằng nhặt ban, một đốc tờ Xuân, một anh hùng cứu quốc đến một vĩ nhân…

‘ Diễn viên Việt Bắc – Xuân tóc đỏ, chia sẻ: “Về phục trang, tôi phải công nhận thời kỳ Âu Hóa ăn mặc rất đẹp… Cô Hà rất có con mắt nhìn, có cảnh tôi đóng là đại vĩ nhân, mặc một bộ vest trắng rất đẹp, cô đến và đưa cho một chiếc khăn màu đỏ dài thả xuống, lúc ấy nổi bật rất đẹp. Bộ phim đã đầu tư rất kỹ lưỡng, từ giày dép cho đến quần áo”.

‘ Người xem có thể hình dung rất rõ tính cách của các nhân vật điển hình như Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, vợ chồng Văn Minh... qua những bộ trang phục được thực hiện vô cùng tỉ mỉ. Không quá sa đà vào thể hiện những lố lăng kệch cỡm mà chỉ thể hiện một cách đúng mực, trang phục trong phim còn những nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Hà Nội xưa.

Nhà thiết kế Thu Hà chia sẻ thêm: “Chúng tôi nghĩ, qua thời gian sàng lọc thì những gì lố lăng kệch cỡm sẽ lu mờ đi, những gì tinh hoa còn lại vẫn giữ được. Do vậy trong bộ phim Trò đời chúng tôi vẫn cố gắng giữ được những hình ảnh Hà Nội của những năm 1930 – 1940 một Hà Nội rất thanh lịch. Chúng tôi thực hiện phục trang cho phim bằng tất cả sự tôn kính với cố nhà văn Vũ Trọng Phụng và bằng tất cả tình yêu đối với trang phục Hà Nội xưa. Hi vọng khi xem thì khán giả có thể nhận ra được những gì là lố lăng kệch cỡm và những gì là những tinh hoa thanh lịch của người Hà Nội”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước