Chương trình ôn tập dành cho học sinh trên VTV ngày nay
Có thể nói, truyền hình chính là phương tiện mang đến sự tiếp nhận thông tin đầy đủ và sinh động nhất bởi hội tụ yếu tố nghe và nhìn đến với khán giả. Những năm 90, nhu cầu học thêm ôn thi đại học của học sinh gặp nhiều khó khăn, với học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì điều kiện đi ôn luyện còn hạn chế hơn. Để đáp ứng yêu cầu bức thiết đó, lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam đã giao cho Trung tâm truyền hình cáp MMDS (VCTV lúc bấy giờ) thực hiện chương trình “Dạy học từ xa” – chương trình đầu tiên được thực hiện dưới hình thức đưa bài giảng của giáo viên lên sóng truyền hình.
Tháng 5/1996, với một trung tâm vừa mới thành lập còn non trẻ, đội ngũ biên tập ít, chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, các phương tiện kỹ thuật còn hạn chế… không thể kể hết nỗi vất vả trong những ngày đầu sản xuất chương trình khó khăn và thiếu thốn.
Mỗi chương trình truyền hình có một đặc thù riêng, cái khó lớn nhất của dạy học trên truyền hình là không có một lớp học cụ thể mà trải ra một không gian rộng lớn. Làm thế nào để người dạy truyền đạt kiến thức đầy đủ nhất trong thời lượng có sẵn và người học tiếp thu được qua kênh sóng truyền hình? Một khối lượng lớn công việc đòi hỏi tất cả các cán bộ trong trung tâm nỗ lực hết mình. Đồng chí Xuân Sơn (trưởng phòng Tổng hợp) phải lo liệu tất cả các khâu về sản xuất: mời giáo viên, theo dòi tiến độ sản xuất, lịch sản xuất… Những đạo cụ tưởng như rất nhỏ nhưng nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chương trình: phải dùng phấn sáp không bụi dù thời điểm bấy giờ mua được loại phấn này rất khó; không thể viết bảng gỗ vì sẽ gây lóa khi ghi hình và sau nhiều thử nghiệm cuối cùng êkip cũng tìm thấy phương án hiệu quả khi viết phấn lên kính có lót vải đen phía sau. Rồi đến những khó khăn về trường quay, ánh sáng, phương tiện kỹ thuật, camera…
Cùng sự phối hợp hiệu quả với Ban khoa giáo, Trung tâm kỹ thuật sản xuất chương trình, những số đầu tiên của “Dạy học từ xa” đã được hoàn thành. Với 4 môn học Toán, Văn, Ly, Hoá chương trình đã quy tụ nhiều giáo viên có uy tín như thầy Nguyễn Thượng Võ (trường Hà Nội-Amsterdam), thầy Kim Hồi, các thầy cô trường Sư phạm Hà Nội… Buổi phát sóng đầu tiên trên kênh tiếng Việt hệ thống MMDS, “Dạy học từ xa” đã gây một tiếng vang lớn. Chương trình đã đáp ứng nguyện vọng thiết thực của quần chúng, các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, bớt đi nỗi lo với các bậc phụ huynh. Nhiều thư gửi về, nhiều phản hồi tích cực của đông đảo khán giả đã nhân lên niềm vui, niềm phấn khởi và nguồn động viên lớn cho tất cả mọi người trong trung tâm cố gắng hơn nữa trong những số tiếp theo.
Sau một năm học phát sóng trên hệ thống MMDS, để phổ biến rộng rãi tới học sinh cả nước, Đài truyền hình Việt Nam quyết định phát sóng “Dạy học từ xa” trên truyền hình quảng bá. Cũng từ thời gian này, chương trình được chuyển giao sang Ban khoa giáo phát trên kênh VTV2.
Dù gắn bó với “Dạy học từ xa” không nhiều nhưng đây là quãng thời gian lưu giữ nhiều kỷ niệm khó quên của Trung tâm truyền hình cáp MMDS. Với những kinh nghiệm có được, đội ngũ sản xuất chương trình của trung tâm ngày càng trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn với tinh thần đoàn kết và nỗ lực hết mình, dám làm, dám chịu trách nhiệm để mang đến cho khán giả hàng loạt chương trình có chất lượng.