Những người nói bằng... tay

Theo Báo Văn hóa Online-Thứ sáu, ngày 15/04/2011 16:00 GMT+7

Chương trình Thời sự VTV có lồng ghép thêm phần ngôn ngữ cử chỉ dành cho người khuyết tật được phát vào 22h hàng ngày trên kênh VTV2 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả cả nước.

Cơ hội cho những người nghe... bằng mắt

Phải tới lần thứ 4 tới Đài Truyền hình Việt Nam chúng tôi mới gặp được nhà báo Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Thư kí Biên tập thuộc Ban Thời sự Đài TH Việt Nam, trưởng nhóm BTV làm chương trình đặc biệt này, đơn giản chỉ vì các anh quá bận. “Chương trình Thời sự có người dẫn thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính ra đời là ước nguyện từ lâu của những người làm truyền hình.

Sau nhiều năm ấp ủ, tìm hiểu từ thực tế các đài truyền hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..., được sự giúp đỡ nhiệt tình của Chi hội Người khiếm thính TP Hà Nội, ngày 1.4.2011, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã chính thức đưa lên sóng Chương trình Thời sự dành cho người khuyết tật, phát hằng ngày trên kênh VTV2, lúc 22h00. Đây cũng là món quà ý nghĩa chúng tôi dành tặng những khán giả thiệt thòi nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4”, anh Huy nói.

Cũng theo anh Huy, hình thức thông tin bằng cử chỉ này phù hợp với thực tế hiện nay, đáp ứng mong mỏi thông tin nhiều năm nay của người khuyết tật. Đây là hình thức làm truyền hình hiện đại, thông tin tới người khuyết tật nhanh và dễ hiểu.

Theo nhiều phản hồi từ khán giả, thì rất nhiều người khiếm thính đã kịp thời nắm bắt các thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội qua chương trình thời sự có người dẫn bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Trước đây, bản tin Thời sự 19h phát lại lúc 22h hằng ngày trên kênh VTV2 dành cho người khiếm thính là một bản tin có thêm các dòng chữ phụ đề ở phía dưới màn hình. Cách thể hiện bản tin này đã phần nào giúp cho cộng đồng người khiếm thính được tiếp cận nhiều hơn với những thông tin về xã hội, kinh tế...trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cũng không phải có nhiều người có thể theo dõi kịp những dòng chữ cứ liên tục thay đổi trên màn hình. Chương trình thời sự bằng ngôn ngữ của người khiếm thính giúp những người khuyết tật có trình độ văn hoá thấp cũng có thể hiểu được.

‘ Luyện tập kí hiệu ngôn ngữ (người ngoài cùng bên phải là anh Nguyễn Quang Huy - Trưởng nhóm). Ảnh: Việt Quang

Thật khó để “nói” và hiểu ngôn ngữ người khiếm thính

Đa số người tham gia chương trình đều nhận xét như thế khi tất cả phải làm quen với loại ngôn ngữ đặc biệt được thể hiện không chỉ bằng cử chỉ mà còn bằng mắt, miệng và cả đầu nữa! Để làm chương trình đặc biệt này, Ban Thời sự cần khá nhiều thời gian để “tuyển” đủ nhân sự. Đó là những người bình thường nhưng có khả năng thể hiện ngôn ngữ bằng cử chỉ.

Được biết, ngôn ngữ khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu được dạy đến hết bậc tiểu học, với vốn kiến thức chủ yếu là giao tiếp thông thường nên việc phát triển còn nhiều hạn chế. Không nhiều người có điều kiện nâng cao loại ngôn ngữ này ở mức độ chuyên sâu.

Nhưng rất đáng mừng khi hiện có rất nhiều câu lạc bộ là các bạn thanh niên, sinh viên tình nguyện tự đi học ngôn ngữ ký hiệu và giúp đỡ nhiệt tình những người khiếm thính. Và đã có rất nhiều sinh viên đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang,... tham gia đợt tuyển người dẫn chương trình bằng ngôn ngữ đặc biệt.

Mỗi người dự tuyển có điểm xuất phát khác nhau, có người có người thân trong gia đình bị khiếm thính nên tự học để giúp đỡ, có người vì thấy tính nhân văn của ngôn ngữ ký hiệu,... nhưng tất cả đều có thể sử dụng thứ ngôn ngữ đặc biệt này để “nghe” và “nói”.

Những điều kiện này giúp cho VTV tuyển chọn người dẫn chương trình khá thuận lợi. Sau khi được sự giới thiệu, giúp đỡ và thẩm định của Chi hội khiếm thính Hà Nội, những người làm chương trình đã tuyển được 8 tình nguyện viên đầu tiên. Những ứng viên này đã có khoảng thời gian 10 ngày tập luyện kỹ lưỡng với sự giúp đỡ nhiệt tình của những người khiếm thính thực sự để có thể chuyển tải các thông tin thời sự về kinh tế, chính trị, văn hoá ra ngôn ngữ của người khiếm thính.

Gian nan để có một chương trình đặc biệt

Băng hình của các buổi tập luyện thử nghiệm của các ứng viên được thường xuyên chuyển tới Chi hội người khiếm thính Hà Nội để thẩm định trước khi những người làm chương trình lựa chọn ra những người đáp ứng tốt nhất khả năng chuyển tải thông tin thành ngôn ngữ ký hiệu. Nhận xét chung về 8 ứng viên, có người không đạt yêu cầu về ngoại hình, có người bị loại vì thể hiện động tác- ngôn ngữ trên hình không đạt yêu cầu...Và trước ngày chương trình lên sóng, chỉ còn 3 ứng viên đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn tối thiểu của một MC đặc biệt.

Sau khi chương trình thời sự kết thúc, ê kíp bắt đầu làm việc với nhân vật chính là MC. Việc chuyển ngữ mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, BTV sẽ giám sát và chỉnh sửa lỗi trên băng hình trước khi chương trình được lên sóng vào 22h cùng ngày. Cần phải nói thêm là để có chương trình này, những cộng tác viên đặc biệt ở Chi hội người khiếm thính Hà Nội đã góp phần không nhỏ. Họ sẵn sàng giúp đỡ MC sửa lỗi vào bất cứ thời gian nào, mặc dù việc trao đổi giữa 2 bên cũng không hề đơn giản như giữa những người bình thường...

Chúng tôi phải làm một chương trình thời sự thứ 2 như chương trình chính. Mỗi ê kíp hằng ngày gồm 1 đạo diễn hình, 1 biên tập viên, 1 quay phim và MC bằng ngôn ngữ khiếm thính. Tất cả nhóm phải có mặt tại trường quay vào khoảng 18h hằng ngày. Trong khi chờ đợi chương trình Thời sự lên sóng, MC phải cùng biên tập viên xem trước kịch bản chính của chương trình thời sự, nếu có từ khó phải trao đổi và hỏi ngay BTV hoặc điện thoại cho “cố vấn” để giải đáp. (Nhà báo Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Thư ký Biên tập, Ban Thời sự Đài TH Việt Nam).

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước