Chia sẻ với chúng tôi về vai ông Viện, Phó chủ tịch thường trực trong phim Chủ tịch tỉnh (đạo diễn Bùi Huy Thuần) đang phát sóng trên kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), Trần Nhượng bảo, anh gặp áp lực lớn với vai diễn này. Với gia tài gần 100 bộ phim thì cũng chừng ấy vai diễn phản diện, Trần Nhượng giờ đây luôn ước mơ được đóng một vai “người tốt”. Anh cho biết:
Tôi đã chán vai phản diện rồi. Lúc đầu, tôi mừng hụt vì tưởng mình sẽ đóng vai Chủ tịch tỉnh, mà đã là Chủ tịch thì không thể là người xấu được và sẽ có cơ hội “đổi màu”, làm mới hình ảnh của mình. Nhưng đến khi nhận vai mới biết mình đóng Phó chủ tịch thường trực - lại một vai phản diện. Thú thực lúc đầu tôi không hào hứng lắm nhưng sau lấy lại được tinh thần. Nói vậy nhưng quả thực đóng nhân vật phản diện không phải ai cũng làm được, bởi không chỉ là những thể hiện bên ngoài như cười khẩy, cười nửa miệng, tỏ thái độ… Tôi ao ước có một vai phản diện như một ông trùm hoặc cán bộ lãnh đạo có bề ngoài hào hoa, phong nhã, lịch thiệp, ai cũng tôn trọng nhưng thực chất lại có những việc làm cực kỳ nham hiểm… Vai Phó chủ tịch này tôi cũng định thể hiện theo cách đó nhưng khổ nỗi ngôn ngữ, đối thoại, thái độ trong kịch bản đã định hình trước nên không thể thay đổi được.
Một áp lực nữa với tôi khi nhận vai này là nhân vật có các mối quan hệ bồ bịch và những hành động không đàng hoàng. Tuy là phim nhưng chắc chắn sẽ ít nhiều đụng chạm đến các vị lãnh đạo cấp tỉnh, và điều này tạo cho tôi áp lực lớn, khi diễn bị hạn chế và có chút thiếu tự tin.
Trong phim có một số cảnh gần gũi với bạn diễn. Ở tuổi 60, anh có ngại những cảnh này không?
Trong kịch bản phân cảnh có rất nhiều cảnh “nóng” nhưng khi ra hiện trường tôi đã bàn với đạo diễn cho tôi diễn theo cách khác. Tôi nghĩ đơn giản, những cảnh “nóng” của mình không thể hay được bằng phim nước ngoài thì nên tìm cách thể hiện khác nhưng vẫn đảm bảo nội dung đó.
Theo anh thì vì sao anh hay được mời vào vai phản diện?
Nhiều khi chính tôi cũng thắc mắc là không hiểu vì sao. Nhiều người nói vui “hay bản chất thật của tôi là như vậy”. Tuy có chạnh lòng đôi chút nhưng tôi nghĩ ngoài đời mình sống tốt và mọi người xung quanh biết là được. Còn điện ảnh, sân khấu là một cuộc sống khác. Đúng là những vai diễn phản diện của tôi đã thành công, được khán giả “nhớ mặt, đặt tên”. Những năm 1980, tôi chuyên đóng vai chính diện trong các phim, kịch truyền hình, đó là những vai thương binh, chủ nhiệm hợp tác xã, nông dân, nhà giáo… có tính cách chịu đựng, mẫu người khắc khổ. Khi béo lên một chút, các đạo diễn mời tôi vào vai phản diện. Tôi không nhớ chính xác đã tham gia bao nhiêu phim có vai phản diện nhưng thực lòng tôi vẫn muốn thay đổi hình ảnh của mình trong mắt khán giả.
Nếu tiếp tục có lời mời vào vai diễn phản diện, anh có từ chối không?
Có lẽ tôi phải cân nhắc và lựa chọn kịch bản một cách kỹ lưỡng. Nghề diễn nhiều lúc cũng khó từ chối thẳng thừng lắm, vì vừa là chỗ anh em bạn bè, vừa là đồng nghiệp. Tôi cho rằng không có nhân vật lớn, nhỏ mà điều quan trọng là diễn viên phải làm nghề một cách nghiêm túc, không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào để làm mới hình ảnh của mình.
Đây cũng là một khó khăn lớn, vì làm phim nhiều lúc gặp phải rủi ro. Không thể phủ nhận đạo diễn thường giao vai diễn theo một thói quen, phản diện cứ phải diễn viên này, chính diện phải ông kia... mà không dám mạo hiểm giao một vai “quay ngoắt” 180 độ cho diễn viên. Theo tôi, đạo diễn nên tạo cơ hội cho diễn viên thay đổi hình ảnh của mình. Tôi là đạo diễn sân khấu, điện ảnh và truyền hình nhưng tôi quan niệm khác, khi giao vai cho diễn viên tôi luôn cố gắng để họ có cơ hội thay đổi hình ảnh cũng như thể hiện khả năng sáng tạo.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!