Đây được xem là cơ hội để Nga đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại với các nước châu Á- Thái Bình Dương.
Báo chí Nga trong tuần này đã cùng nhìn lại những thay đổi quan trọng của vùng Viễn Đông, nơi được xem là cánh cửa rộng để Nga vào châu Á theo chiến lược hướng Đông.
Năm 2013, Tổng thống Nga tuyên bố phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên quốc gia trong toàn bộ thế kỷ 21. Trong 10 năm qua, một hệ thống hỗ trợ lập pháp cho sự phát triển của khu vực đã được hình thành: 75 luật liên bang, hơn 400 quyết định của Chính phủ tạo nên Viễn Đông là nơi dễ dàng nhất để thành lập doanh nghiệp và thực hiện các dự án đầu tư.
Theo người đứng đầu Bộ Phát triển Viễn Đông, Aleksei Chekunov, nếu tốc độ tăng trưởng trung bình trong đầu tư vào tài sản cố định ở Nga kể từ năm 2013 là 13% thì ở Viễn Đông cao gấp 3 lần - 39%. Một số ngành công nghiệp đã cho thấy sự tăng trưởng rất mạnh mẽ như vậy, trong đó sản lượng vàng tăng gần gấp đôi, sản lượng than tăng gấp ba.
Tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông 2023, Phó Thủ tướng Yury Trutnev, đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại vùng Viễn Đông cho biết, 3,4 nghìn tỷ rub, là gần 35 tỷ USD đã được đầu tư vào khu vực này trong những năm qua. Khối lượng đơn hàng đăng ký vận chuyển qua Tuyến đường sắt xuyên Siberia, Tuyến đường sắt Baikal - Amur (BAM) và các cảng Viễn Đông đã tăng 75% tương đương 100 triệu tấn.
Giới chuyên gia của Viện nghiên cứu Trung Á nhận định, logistics là một nhân tố trong chính sách hướng Đông của Nga, và cuộc cách mạng logistics ở Viễn Đông không chỉ bao gồm các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc. Với dự án thiết lập các hành lang hậu cần số, Nga đã xác định mục tiêu quan trọng là tăng gấp 10 lần lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đến năm 2030.
Báo Nga cho biết, hiện các dự án mở rộng năng lực cảng biển đang được triển khai tích cực trong khu vực và trong năm qua, các nhà khai thác Nga đã triển khai các dịch vụ hậu cần mới từ Vladivostok đến Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á.
Hãng thông tấn TASS trích dẫn số liệu Cục Hải quan Viễn Đông, cho thấy kim ngạch hàng hoá qua vùng Viễn Đông đã tăng 50% trong năm qua, và dự kiến năm nay sẽ có đến 1,5 triệu công-tơ-nơ được nhập khẩu qua vùng này.
Trong nhiều năm qua, Nga đã thể hiện quyết tâm đưa vùng Viễn Đông trở thành cửa ngõ vào châu Á thông qua Chiến lược hướng Đông. Trong một thông điệp từ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, Tổng thống Nga Putin từng đặt ra tham vọng có thể biến Viễn Đông trở thành trung tâm của nền kinh tế khổng lồ của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!