Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã có 90.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.
Như vậy bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - tương đương mỗi ngày là hơn 300 doanh nghiệp.
Sự khó khăn còn được thể hiện ở số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85.500 doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%.
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (ngoài cùng bên phải)
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tổ chức cũng như khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy sức chịu đựng của doanh nghiệp đã gần cạn kiệt.
“Chưa năm nào tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn so với doanh nghiệp ngừng sản xuất như năm nay. Rõ ràng là doanh nghiệp rất nhiều khó khăn”, ông Thuý nhấn mạnh.
Theo kết quả khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê trong tháng 9 vừa qua, có 94,3% gặp khó khăn nặng nề do tác động của COVID-19, trong đó tại 19 tỉnh phía Nam, có đến 98,9% doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề. Tỷ lệ này nâng lên thành 99,1% tại khu vực Đông Nam Bộ.
Theo ông Thuý, bên cạnh khó khăn về tài chính, thời gian tới các doanh nghiệp sẽ phải gặp thách thức lớn về lao động. Cụ thể trong thời gian giãn cách không có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được “3 tại chỗ”, nên nhiều lao động đã đi tìm việc ở các lĩnh vực khác. Ngoài ra các biện pháp giãn cách cũng khiến cho lực lượng lao động gần như không dịch chuyển được
Các doanh nghiệp dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt lao động khi kinh tế mở cửa trở lại (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Dân trí)
“Biện pháp quan trọng nhất bây giờ là dập dịch càng sớm càng tốt. Chính phủ tiếp tục gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh như giãn giảm thuế, hỗ trợ người lao động… Cần phải chú ý ưu tiên doanh nghiệp có quy mô lao động lớn ở tâm dịch phía Nam để doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh nhất có thể”, ông Thuý đề xuất.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!