Chiều 18/6, Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu đã được tổ chức tại TP.HCM. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Trước đó, vào sáng 18/6, trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra 4 phiên thảo luận chuyên đề gồm: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL; Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL và Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL, nhằm tìm các giải pháp để phát triển vùng đồng bằng chiếm 20% dân số và đóng góp 18% cho GDP của cả nước.
Tại các phiên thảo luận, nhiều địa phương cho rằng, mặc dù đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu như xoay trục sản xuất, chuyển từ lúa gạo - rau quả - thủy sản thành thủy sản - rau quả - lúa gạo, phát triển tôm thành ngành công nghiệp mũi nhọn gắn với việc xem nước mặn là tài nguyên, tuy nhiên, khi thực hiện còn nhiều lúng túng và khó khăn.
Một ví dụ là hiện nay có tới hơn 2.500 quy hoạch được lập cho ĐBSCL nhưng lại chồng chéo và không phát huy hiệu quả. Vì vậy, cần phải sớm có quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng để đánh giá một cách tổng thể, đồng bộ trên quy mô vùng, đặc biệt là liên quan tới liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị.
Các địa phương cũng đề nghị các Bộ, ngành thu thập toàn bộ cơ sở dữ liệu mang tính tổng thể, đồng bộ và liên tục để làm cơ sở hoạch định cho quá trình chuyển đổi, phát triển ĐBSCL bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120 là phát triển "thuận thiên", tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.
Đặc biệt, khi đã xác định nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên thì phải hạn chế ngăn mặn, cản trở dòng chảy để phục hồi thủy sản biển, phục hồi sông ngòi, nhằm giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có thêm nhiều cuộc thảo luận để làm rõ nội hàm của Nghị quyết và những quan niệm về an ninh lương thực, phát triển bền vững để từ đó làm cơ sở cho Nghị quyết 120 đi vào cuộc sống.
Sau 4 phiên thảo luận chuyên đề đánh giá về công tác thực hiện quy hoạch, thu hút vốn đầu tư, tái cơ cấu và phát triển hạ tầng ĐBSCL sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chiều 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của hội nghị để nghe đề xuất của các nhà khoa học và lãnh đạo các bộ để thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết 120 vì sự thịnh vượng của của vùng đồng bằng này.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, có tính lịch sử về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy xây dựng chính sách phát triển cho 13 tỉnh, thành với 20 triệu dân theo hướng thuận thiên.
Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, gần 200.000 tỷ đồng đã được Trung ương và các địa phương bố trí để triển khai các chương trình và dự án cấp bách không trì hoãn trong vùng, tăng hơn 4% so với nhiệm kỳ trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!