2022 - Năm thách thức của chứng khoán thế giới

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 23/12/2022 10:05 GMT+7

VTV.vn - Chứng khoán toàn cầu đã có một năm nhiều thách thức khi lạm phát cao, các đợt tăng lãi suất liên tiếp cùng những căng thẳng địa chính trị.

Theo các dữ liệu của Marketwatch, những biến động mạnh của thị trường đã khiến chỉ số MSCI toàn cầu giảm gần 18% kể từ đầu năm, trong đó các chỉ số của châu Âu và châu Á đều ghi nhận kết quả kém tích cực. Tại Mỹ - thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới - các chỉ số chính cũng đồng loạt giảm điểm.

Ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, công ty CFRA, Mỹ, cho biết: Đầu tiên, chúng ta đã thấy số ngày thị trường tăng giảm trên 1% cao gấp đôi so với mức trung bình kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Sự biến động càng mạnh hơn do tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay, với mức tăng trên 4 điểm % trong cả năm 2022. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là mức giảm của thị trường trong năm nay vẫn nhẹ hơn so với mức giảm trung bình 35% của thị trường giá xuống mỗi khi kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Điều kiện kinh tế khó khăn hơn đã buộc giới đầu tư phải thận trọng hơn và cố gắng thích ứng để hạn chế rủi ro thua lỗ. Các cổ phiếu cơ bản, có mức độ an toàn cao, giờ đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều nhà đầu tư thay vì nhóm cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng cao, từng đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của thị trường.

Ông Sam Stovall nhận định: "Việc lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến một loạt các lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh, có chỉ số định giá cổ phiếu với thị trường cao như hàng tiêu dùng, dịch vụ viễn thông, và công nghệ cao. Ngược lại, các cổ phiếu có tính đề kháng cao và dù trong môi trường nào cũng có nhu cầu lớn như các nhóm ngành thực phẩm, y tế - sức khỏe vẫn duy trì được mức giá rất tốt".

2022 - Năm thách thức của chứng khoán thế giới - Ảnh 1.

Mặc dù đã đón nhận một số tín hiệu tích cực trong giai đoạn cuối năm, như việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách phòng dịch COVID-19 và các ngân hàng trung ương lớn giảm tốc độ tăng lãi suất, chứng khoán thế giới được dự báo sẽ khép lại năm 2022 mà không còn giữ được đà tăng ấn tượng của các năm trước đó,

Các doanh nghiệp thận trọng với kế hoạch IPO

Không chỉ các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn. Những biến động của thị trường cũng khiến nhiều doanh nghiệp quyết định chưa vội tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), và chờ đợi một cơ hội tốt hơn. Điều này khiến cho thị trường IPO toàn cầu có một năm 2022 khá trầm lắng.

Theo báo cáo mới nhất của Ernst & Young, số thương vụ IPO trên toàn cầu trong năm nay đã ghi nhận mức giảm 45%. Việc các nhà đầu tư không còn quá mặn mà với các công ty mới niêm yết, buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch của mình. Sự dồn nén về nhu cầu, được dự báo có thể dẫn tới một sự bùng nổ hơn của thị trường trong năm 2023, bởi theo các chuyên gia, vẫn có nhiều doanh nghiệp muốn tiến hành IPO trong thời gian tới, ngay khi các điều kiện kinh tế được cải thiện.

Bà Lynn Martin, Chủ tịch Sàn giao dịch chứng khoán New York, nhận định: "Các công ty rất muốn tiến hành IPO. Họ rất muốn làm như vậy. Tất cả những gì họ đang làm, chỉ là chờ đợi đến khi các biến động trên thị trường lắng xuống".

Bà Adena Friedman, Chủ tịch Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, cho biết: "Có khoảng 200 công ty đang chờ niêm yết trên sàn Nasdaq, thấp hơn mức 250 - 300 công ty mà chúng ta đã thấy trong vài năm qua. Chúng tôi hy vọng nửa sau của năm 2023 sẽ là cơ hội để các công ty niêm yết, mặc dù thị trường có thể sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm tới".

Triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2023

2022 - Năm thách thức của chứng khoán thế giới - Ảnh 2.

Các nhà đầu tư triệu phú dự đoán thị trường chứng khoán Mỹ vốn đã ảm đạm trong năm 2022 sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023 là thông tin vừa được tờ Bưu điện New York đưa ra trong bài viết đăng tải hôm 19/12 vừa qua.

Bài viết dẫn kết quả khảo sát cho thấy tâm lý tiêu cực đã đạt đến mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, với 56% các nhà đầu tư triệu phú dự đoán S&P 500 sẽ sụt giảm ở mức 2 con số. Khoảng 2/3 số người được hỏi nhận định mức sụt giảm sẽ trên 15%.

Suy thoái là mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư triệu phú, với 60% dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ yếu hơn hoặc yếu hơn nhiều vào cuối năm tới. Vì thế, 46% nhà đầu tư cho biết họ giữ tiền mặt nhiều hơn trong danh mục đầu tư của mình so với năm ngoái.

Trên bình diện toàn cầu, tờ Bloomberg dẫn nghiên cứu của Morgan Stanley và Goldman Sachs nhận định sự phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ không dễ dàng trong năm 2023 khi lạm phát cao, suy thoái và lợi nhuận thu hẹp là những rủi ro chính.

Cụ thể, thị trường sẽ đối mặt với những đợt sụt giảm mới trong nửa đầu năm khi lợi nhuận của các doanh nghiệp không thể cưỡng lại tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu hơn, lạm phát cao ngất ngưởng và các ngân hàng trung ương kiên định chính sách diều hâu.

Nửa cuối năm sẽ chứng kiến sự phục hồi khiêm tốn của thị trường khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ ngừng tăng lãi suất, giúp cổ phiếu tăng ở mức vừa phải so với cuối năm 2022. Cụ thể: S&P 500 sẽ tăng trung bình 7% so với mức hiện tại. Các dự báo lạc quan nhất kỳ vọng mức tăng 24% trong khi dự báo bi quan nhất nhận định mức giảm 11%. Thị trường chứng khoán châu Âu với Stoxx 600 được dự báo có mức tăng trung bình 5%.

Các chuyên gia Morgan Stanley tin tưởng rằng chứng khoán tại các thị trường mới nổi ở châu Á sẽ có kết quả tốt hơn so với các thị trường đã phát triển do một chu kỳ tăng giá mới đang bắt đầu. Nhóm nghiên cứu của Nomura Holdings Inc nhận định sự suy thoái ở các nước phương Tây sẽ cho phép châu Á tăng trưởng tốt hơn do cổ phiếu của khu vực này được định giá thấp hơn và triển vọng cơ bản tốt hơn.

Tuy nhiên bức tranh triển vọng thị trường chứng khoán không chỉ có màu xám. Trên cơ sở phân tích diễn biến nền kinh tế những tháng cuối năm, dự kiến chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ, biến số quan trọng hàng đầu, và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các chuyên gia của Barron's thuộc Dow Jones nhận định những ngày tươi sáng hơn đang tới và khuyến nghị các nhà đầu tư nên bình tĩnh và kiên nhẫn.

Có thể thấy là nhiều thách thức của năm 2022 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, khi các điều kiện kinh tế dần được cải thiện, nhà đầu tư và các doanh nghiệp... vẫn có thể kỳ vọng vào việc các thị trường sẽ lấy lại đà tăng, đặc biệt là trong giai đoạn nửa sau của năm 2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước