Hình thức vận chuyển mới được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới cho các doanh nghiệp, giúp đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Kazakhstan, Nga và châu Âu, giúp giảm thời gian thông quan và chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang đưa trái vải xuất ngoại qua đường sắt. Để chuẩn bị cho phương án vận chuyển này, các hợp tác xã đã sớm thực hiện quy cách đóng gói khác so với đường bộ thông thường. Vải được ướp lạnh và đóng vào thùng xốp thay vì rành nhựa.
"Đóng thùng xốp giúp bảo quản vải tốt hơn. Trong quá trình di chuyển sẽ không bị chảy nước ra", anh Nguyễn Văn Chiến - Hợp tác xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết.
56 tấn vải thiều mới đây đã được xuất khẩu lần đầu tiên bằng đường sắt tại ga liên vận quốc tế Kép của tỉnh Bắc Giang.
Theo các doanh nghiệp, vận chuyển theo đường sắt sẽ tránh được cảnh ùn tắc khi lên đến cửa khẩu. Đồng thời, giá cước vận tải cũng ổn định hơn đường bộ và đã bao gồm chi phí trung chuyển hàng từ kho của doanh nghiệp đến ga.
Bà Vũ Thị Như - Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu An Như cho biết: "Về giá cả thì không phụ thuộc như đường bộ. Mấy ngày hôm nay, giá cước đường bộ tăng giá gần như gấp đôi, gấp rưỡi so với những ngày trước nhưng đường sắt giá ổn định hơn".
Các doanh nghiệp giờ đây có thể làm các thủ tục thông quan ngay tại điểm khai báo Hải quan tại ga Kép. Thời gian thông quan cũng sẽ được thực hiện nhanh nhất để đảm bảo chất lượng hàng hoá.
Ông Lê Việt Hùng - Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho hay: "Đảm bảo hàng hóa thông quan nhanh nhất nếu đã tập hợp đầy đủ và doanh nghiệp khai báo đầy đủ".
Không chỉ vải thiều, tỉnh Bắc Giang cho biết, sẽ lên kế hoạch xuất khẩu nhiều loại nông sản khác qua ga Kép trong thời gian tới. Về lâu dài sẽ thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực Bắc Giang và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhanh chóng.
Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang đưa trái vải xuất ngoại qua đường sắt.
Gỡ khó xuất khẩu nông sản qua đường sắt
Hiện nay, đường sắt Việt Nam có 4 ga liên vận quốc tế gồm: Ga Lào Cai, ga Yên Viên, ga Đồng Đăng và mới đây là ga Kép. Về cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nông sản sang Trung Quốc của các địa phương. Tuy nhiên, do lâu nay nông sản vẫn chủ yếu xuất khẩu qua đường bộ và đường thuỷ nên việc xuất khẩu qua đường sắt không tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình triển khai.
Trên lý thuyết, hàng hóa đi từ ga Kép sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) mất 8 - 10 tiếng. Còn thực tế, cần tính thêm thời gian chờ tàu, khi mỗi ngày chỉ có 5 chuyến tàu xuất và nhập sang Trung Quốc tại ga quốc tế Đồng Đăng. Mặc dù các thủ tục thông quan hàng hóa đã được rút ngắn, nhưng vẫn còn những vướng mắc giữa 2 đầu Việt Nam - Trung Quốc.
Ông Trần Văn Anh - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Lạng Sơn cho biết: "Vướng mắc ở chỗ phương thức giao nhận hàng với bạn hàng Trung Quốc và quy trình kiểm dịch phía nước bạn với đường sắt, nên hàng hóa nông sản xuất khẩu thời điểm hiện tại còn ít".
Do lâu nay nông sản vẫn chủ yếu xuất khẩu qua đường bộ và đường thuỷ nên việc xuất khẩu qua đường sắt không tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình triển khai. Ảnh minh họa.
Phía các hợp tác xã và địa phương vốn quen với phương án xuất khẩu qua đường bộ, cũng có những lo ngại riêng khi triển khai qua đường sắt.
"Vừa rồi đi số lượng nhỏ nên không ảnh hưởng gì. Nhưng bến bãi ở ga hơi hẹp. Vỏ container do công ty đường sắt cho mượn, sợ số lượng không đủ đáp ứng cho khối lượng hoa quả lớn", chị Trần Phúc Thắng - Hợp tác xã Trường An, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang nói.
Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho hay: "Mọi người vẫn giữ tâm lý không may có một số lô hàng nào không đảm bảo sẽ phải quay đầu, tốn nhiều chi phí".
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực nâng cấp các ga liên vận quốc tế để tận dụng lợi thế đường sắt. Tuy nhiên, với mặt hàng nông sản có đặc thù cần bảo quản kĩ lưỡng, việc xuất khẩu số lượng lớn vẫn cần thêm các giải pháp gỡ khó trong thời gian tới.
Ngành đường sắt đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng hàng vận chuyển liên vận quốc tế đạt 4 - 5 triệu tấn/năm, gấp 4 - 5 lần so với hiện nay. Nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế sẽ là yếu tố then chốt giải bài toán xuất khẩu nông sản lâu dài.
Tấp nập tiêu thụ vải thiều VTV.vn - Bắc Giang đang ở trong những ngày thu hoạch tập trung của vải thiều chính vụ. Hơn 60% sản lượng vải thiều dự kiến đã được thu hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!