Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo của mình về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Châu Á đang phát triển, giảm nhẹ còn 7,0% trong năm nay và 5,3% trong năm 2022. Dự báo này giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 7,1% cho năm 2021 và 5,4% cho năm 2022 được chính ADB đưa ra hồi tháng 9.
"Các đợt bùng phát mới trong Quý 3 đã khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bị chững lại, và sự xuất hiện của biến thể Omicron đang dẫn đến tình trạng bất định mới. Những nỗ lực phục hồi gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này", Quyền Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Joseph Zveglich, Jr. đưa ra lý do cho dự báo mới nhất của ngân hàng này.
Rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng vẫn là sự gia tăng lại số ca mắc COVID-19. Số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trên toàn cầu đã tăng lên tới gần 573.000 ca vào ngày 30/11, so với 404.000 ca vào ngày 15/10.
Biến thể Omicron cùng đà tăng các ca nhiễm COVID-19 là nguyên nhân chính cho việc hạ dự báo tăng trưởng tại châu Á của ADB (Ảnh: Getty)
Đáng chú ý trong báo cáo của ADB, trái ngược với xu hướng chung của Châu Á đang phát triển, nền kinh tế Trung Á dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay. Dự báo cho năm tới với nền kinh tế Trung Á cũng được nâng từ mức 4,2% vào tháng 9 lên tới 4,4%.
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của Đông Á đã bị giảm 0,1 điểm phần trăm cho cả năm 2021 và 2022, lần lượt xuống còn 7,5% và 5,0%, trong bối cảnh có sự điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc hiện được dự kiến tăng trưởng 8,0% trong năm nay và 5,3% vào năm tới.
Còn Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng 8,6% vào năm 2021, so với mức dự báo 8,8% hồi tháng 9. Triển vọng năm 2022 của tiểu vùng vẫn duy trì ở mức 7,0%.
Theo ADB, triển vọng tăng trưởng năm 2021 của Đông Nam Á được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 3%, khi các nền kinh tế trong tiểu vùng áp đặt những hạn chế có trọng điểm để ứng phó với biến thể Delta của COVID-19.
Dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á cho năm sau được tăng lên 5,1%, khi các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng hạn chế nói chung và phục hồi các hoạt động kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!