AI giúp doanh nghiệp "nhảy vọt" về doanh thu
Trong thời gian qua, Việt Nam trở thành điểm nóng đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế.
Theo dự báo của các chuyên gia, các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn sẽ nhanh chóng tiến tới quy mô nghìn tỷ đô vào năm 2030. Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có để bước vào kỷ nguyên công nghệ, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm công nghệ “made-in-Vietnam” và tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam tuy đi sau nhưng có những lợi thế để vươn lên đón đầu làn sóng. Đây là con đường rộng mở giúp doanh ghiệp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững, nâng cao vị thế toàn cầu.
Theo báo cáo của Tập đoàn công nghệ IBM, AI giúp 35% doanh nghiệp tăng tối thiểu 5% doanh thu, có những đơn vị chạm mốc 20%. Bên cạnh đó, AI giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, rút ngắn tốc độ ra quyết định và cải thiện trải nghiệm của khách hàng, qua đó đạt được những bước nhảy vọt về năng suất lao động để thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình.
Trao đổi phóng phóng viên xung quanh câu chuyện này, ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud cho biết, để phát triển AI, việc đầu tư nghiên cứu và tự chủ về chip bán dẫn là một "vấn đề nóng" giữa các quốc gia. Hiện Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Còn theo ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, dự báo năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến khoảng 74 tỷ USD. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có thể chiếm khoảng 17% cơ hội phát triển kinh tế mà các công nghệ số mang lại.
Al - yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển
Mặc dù nhiều cơ hội là thế nhưng theo các chuyên gia, AI cũng mang đến không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Dẫn chứng, sự phát triển của Al sẽ dẫn đến sự biến mất hoặc suy giảm mạnh của nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời có sự cạnh tranh gay gắt theo mức độ ứng dụng AI trong sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ về vấn đề này để có những thay đổi, hướng đi phù hợp.
Đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu gia nhập vào nhóm bốn nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Bên cạnh đó, AI sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn về thị trường lao động. Al thay thế rất nhiều lập trình viên, giáo viên, diễn viên, nhân viên marketing, kỹ sư, tổng đài viên…
AI là công nghệ mang đến phương pháp và công cụ giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đã đề ra
Đặc biệt, theo đại diện của NIC, sẽ không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia, nền kinh tế cũng như cho mỗi doanh nghiệp. "Song, công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu. Doanh nghiệp cần biến công nghệ này từ xu hướng thành yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển", ông Thịnh phân tích.
Do đó, các doanh nghiệp Việt cần nắm được xu hướng mất đi hoặc hình thành ngành, lĩnh vực mới do AI tác động; hiểu rõ AI thực chất là công nghệ mang đến những phương pháp và công cụ giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đã đề ra... Song song với đó cần xác định những khâu, quy trình có thể ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành...
Mặc dù trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu đưa AI vào các hoạt động quản trị và điều hành để chuẩn bị cho một tương lai với AI đóng vai trò trọng tâm, đặc biệt trong lĩnh vực như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử. Song, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu tầm nhìn và kế hoạch rõ ràng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần hiểu việc triển khai và áp dụng AI không phải là một nhiệm vụ “một sớm một chiều” mà cần có quy trình và thời gian. Doanh nghiệp cần giải quyết bài toán về kết quả kinh doanh muốn đạt được thông qua việc ứng dụng AI như là một công nghệ vượt trội, thay vì chỉ chạy theo xu hướng. Doan nghiệp cần đưa AI vào phân tích hoặc dự đoán bằng dữ liệu để tăng tốc quá trình kinh doanh.
Có thể thấy, từ góc độ quản lý nhà nước, Việt Nam luôn chủ động trong việc phát triển các chính sách và khuyến khích đầu tư vào AI. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 cho phép Việt Nam thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực then chốt như an ninh, quốc phòng, dịch vụ công, quản lý tài nguyên và môi trường. Đến năm 2025, chiến lược này của Chính phủ sẽ yêu cầu thành lập hai trung tâm AI cấp quốc gia, mười cơ sở nghiên cứu và đào tạo, và AI sẽ được "ứng dụng rộng rãi trong trong hành chính công, dịch vụ trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân"./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!