6 triệu mặt hàng được xác định là giả, 1.300 tội phạm bị truy tố. Đây là thành quả mà nền tảng bán lẻ trực tuyến Amazon vừa công bố trong báo cáo bảo vệ thương hiệu năm 2022 của hãng.
Thông điệp của Amazon rất rõ ràng: Tuyên chiến với hàng giả. Tập đoàn đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, tuyển dụng gần 15.000 nhân viên, bao gồm cả các nhà phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo... để phát hiện hàng giả.
Thêm vào đó, Amazon đã làm việc với Đơn vị chống hàng giả (CUU). Tổ chức này đặc biệt hợp tác với Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Hoa Kỳ (UPSTO) và với một loạt thương hiệu như FELCO và King Technology.
Amazon đầu tư 1,2 tỷ USD trong năm 2022 để chống hàng giả. (Nguồn: National World News)
Tháng 3 vừa qua, Amazon đã phối hợp với nhà cung cấp giải pháp công nghệ Brother tiến hành một hành động pháp lý chống lại một mạng lưới làm hàng giả tại Đức. Đây là hành động đầu tiên trước tòa án dân sự do Amazon cùng với một thương hiệu ở châu Âu khởi xướng nhằm ngăn chặn hàng giả.
Có thể nói, châu Âu là thị trường màu mỡ cho các sản phẩm giả. Theo Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO), tệ nạn hàng giả vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, những người thực sự gặp rủi ro với sức khỏe và sự an toàn, chưa kể đến việc họ mua hàng giả là gián tiếp hỗ trợ tội phạm các mạng lưới bán hàng nhái.
Theo một nghiên cứu được EUIPO thực hiện cùng với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hàng giả chiếm 5,8% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu. Con số này tương đương với 120 tỷ Euro mỗi năm liên quan đến tất cả các lĩnh vực hiện có. Gần 670.000 việc làm sẽ bị mất mỗi năm do hàng giả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!