Cùng với đó, thêm nhiều việc làm tại nước Anh cũng có thể biến mất trong dài hạn do nước này rời khỏi EU.
Người đứng đầu khu tài chính London, Catherine McGuinness đưa ra nhận định trên va ngày 24/7 trong bài phát biểu trước Ủy ban Rời EU thuộc Quốc hội Anh.
Theo bà McGuinness, hy vọng không xảy ra tình trạng Brexodus (khủng hoảng người lao động tại nước Anh do Brexit gây ra) nghiêm trọng trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên về dài hạn, nước Anh dự báo sẽ mất nhiều việc làm nữa.
Các chủ ngân hàng, các hãng bảo hiểm và quản lý tài sản tại Vương quốc Anh đang mở trụ sở tại các nước trong EU trước khi nước Anh chính thức rời khỏi khối này vào tháng 3/2019 nhằm duy trì sự tiếp nối hoạt động với khách hàng tại đó. Hiện có hơn 2 triệu người đang làm việc liên quan tới các dịch vụ tài chính trên toàn nước Anh.
Trước đó ngày 19/7, bà Nausicaa Delfas, thuộc Cơ quan Quản lý tài chính (FCA, một tổ chức có nhiệm vụ giám sát và quản lý công ty tài chính và thị trường tài chính của Anh), cảnh báo các công ty tài chính của nước Anh phải có kế hoạch cho một viễn cảnh Brexit "cứng" - Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào. Theo chuyên gia này, giới chức Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cùng chính phủ và FCA đang xem xét nhiều kịch bản khác nhau, qua đó giúp các công ty ứng phó kịp thời trong trường hợp kịch bản Brexit "cứng" xảy ra.
Vương quốc Anh và EU đã nhất trí về một thỏa thuận về quá trình chuyển tiếp đưa nước Anh rời khỏi liên minh vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, cho đến nay hai bên vẫn chưa nhất trí được về thỏa thuận thương mại trong giai đoạn chuyển tiếp do những bất đồng trong nội bộ chính quyền của Thủ tướng Theresa May về mối quan hệ trong tương lai giữa nước Anh và EU. Điều này sẽ dẫn tới việc nhiều công ty tài chính đặt trụ sở tại nước Anh có thể mất đi thị trường EU rộng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!