Ảnh hưởng của BRICS với kinh tế thương mại toàn cầu

Thanh Hiệp-Thứ ba, ngày 22/08/2023 16:02 GMT+7

VTV.vn - Với hơn 1/4 diện tích và hơn 40% dân số thế giới, BRICS là một khối hợp tác lớn mạnh, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.

Hôm nay (22/8), Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS - tập hợp các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, khai mạc tại Johannesburg, Nam Phi. Một trong nhiều vấn đề được quan tâm tại hội nghị lần này là việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa các thành viên của một khối hợp tác có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu.

Với hơn 1/4 diện tích và hơn 40% dân số thế giới, BRICS là một khối hợp tác lớn mạnh, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Khối hiện đóng góp 18% thương mại toàn cầu, trong khi GDP đã đạt 56.000 tỷ USD, chiếm 32% sản lượng kinh tế toàn cầu, vượt qua các nước phát triển G7.

"Tiềm lực của các nước BRICS đã vượt qua nhóm G7 gồm các nước phát triển và đây chính là ý nghĩa của BRICS ở cấp độ kinh tế. Cơ chế này cũng ngày càng trở nên thu hút hơn với các thành viên tiềm năng khác", ông Andrey Spartak, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Đối ngoại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, cho biết.

Với vị thế đó, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên đang hướng tới trật tự thế giới đa cực, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên toàn cầu.

Ảnh hưởng của BRICS với kinh tế thương mại toàn cầu - Ảnh 1.

Cờ các nước BRICS. (Ảnh: moderndiplomacy.eu)

"BRICS có tiềm năng trở thành một tổ chức quan trọng trong việc định hình sự phát triển toàn cầu. Tiềm năng của khối không chỉ nằm ở kinh tế, mà còn ở các sáng kiến khác đang được thúc đẩy. Theo quan điểm của tôi, các nước BRICS đã sẵn sàng thiết lập một chương trình cải cách cho trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay", ông Andrey Spartak cho biết thêm.

Các chủ đề kinh tế dự kiến sẽ được thảo luận tại hội nghị lần này bao gồm: cải thiện hợp tác giữa các nước, thúc đẩy thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực từ năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng cho đến nền kinh tế kỹ thuật số và thị trường việc làm.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác cũng được quan tâm là việc tăng cường huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ trong Ngân hàng Phát triển mới (NDB) - Ngân hàng BRICS. NDB hiện đang đặt mục tiêu cung cấp 30% nguồn tài chính bằng đồng nội tệ của các nước thành viên, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào USD.

"Chúng tôi muốn 30% giao dịch của NDB được thanh toán bằng nội tệ. Để làm được điều này, có hai sáng kiến, phát hành trái phiếu bằng nội tệ và đồng thời tiến hành cả huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ. Trong tương lai, các nước đang phát triển sẽ không phải đối mặt với nguy cơ các khoản nợ tăng vọt do biến động tỷ giá của đồng USD", bà Dilma Rousseff, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB), cho hay.

Các chuyên gia đánh giá, sự đa dạng về kinh tế và phân tán về mặt địa lý đang giúp BRICS hướng tới một viễn cảnh toàn cầu rộng khắp, với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn hơn và thách thức phương Tây. Theo giới chức Nam Phi, hiện có trên 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, trong đó, 23 nước đã chính thức đệ đơn xin gia nhập.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS - định vị vai trò của Nhóm trong thế giới nhiều biến động Hội nghị Thượng đỉnh BRICS - định vị vai trò của Nhóm trong thế giới nhiều biến động

VTV.vn - Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra từ 22-24/8 tại Johannesburg (Nam Phi) với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác Nam bán cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước