Áp lực đè nặng, nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách “gỡ khó”

Phong Nguyễn - Quang Hà-Thứ tư, ngày 29/05/2024 13:10 GMT+7

Một dự án căn hộ cao cấp đang xây dựng tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

VTV.vn - Trong bối cảnh áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và hàng tồn kho, vướng mắc pháp lý vẫn đè nặng, nhiều doanh nghiệp BĐS đang tìm cách tháo gỡ, khắc phục khó khăn.

Trái phiếu doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) vẫn còn khoảng trên 70 ngàn tỷ

Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Trong tháng 5/2024, các DN đã mua lại 4,258 tỷ đồng trái phiếu. Trước đó, trong tháng 4/2024, các DN đã mua lại 12,001 tỷ đồng trái phiếu trước hạn và có 1 DN công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 47 tỷ đồng và 12 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 41,332 tỷ đồng và ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 48% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 19,923 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến thời hạn cuối năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 170,025 tỷ đồng. Trong số đó có 42% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm BĐS với khoảng 70,562 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 33,098 tỷ đồng (chiếm 19%).

Điều đó cho thấy, mặc dù thị trường BĐS đã có những bước khởi sắc song áp lực về trái phiếu riêng lẻ, hàng tồn kho… đối với các doanh nghiệp BĐS vẫn còn là một mối lo lớn buộc nhiều DN phải cơ cấu lại các chiến lược kinh doanh của mình. 

Áp lực đè nặng, nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách “gỡ khó” - Ảnh 1.

Một khu đô thị vừa được xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland (NVL) cho biết: "Thời gian qua, thích nghi với bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, NVL đã và đang nỗ lực tái cơ cấu nợ, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tình hình thị trường, tập trung hoàn thiện tiện ích và tháo gỡ vướng mắc pháp lý tại các dự án (DA) trọng điểm. 

Nhiều dự án của NVL đang triển khai tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận vẫn đang được xây dựng trong lúc chờ tháo gỡ vướng mắc từ phía chính quyền và không ngừng đầu tư hạ tầng, tiện ích để mang lại diện mạo mới cho các địa phương, giải quyết bài toán lao động, đóng góp cho an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế du lịch. Đơn cử như với sự đầu tư tiện ích và sự có mặt của hệ sinh thái dịch vụ lưu trú, giải trí, ẩm thực, dự án NovaWorld Phan Thiết đã góp phần đem lại thành công cho Năm du lịch Quốc gia tại Bình Thuận và vượt mốc chỉ tiêu đón khách du lịch năm 2023. Hiện NovaWorld Phan Thiết đang là điểm đến nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Với Dự án Aqua City (Đồng Nai), NVL đã bàn giao hàng ngàn căn nhà, hàng loạt công trình, tiện ích quan trọng phục vụ nhu cầu an cư của cư dân. Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép chủ đầu tư được song song nghiên cứu lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với việc thực hiện phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu C4. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp.

Với những thông tin tích cực về nguồn tài chính triển khai hoàn thiện dự án, Aqua City vẫn giữ nhịp thi công, đang chuẩn bị nguồn lực để triển khai thêm các phân khu với nhiều tiện ích vui chơi, giải trí, ẩm thực, và nỗ lực bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng. Dự kiến, khi được hoàn chỉnh, đây sẽ trở thành một đô thị vệ tinh tại Đồng Nai, một đô thị bên sông quy mô hiện đại với đầy đủ tiện ích nội, ngoại khu. 

Áp lực đè nặng, nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách “gỡ khó” - Ảnh 2.

Công nhân đang xây dựng tại một công trình nhà ở.

Trong thời gian tới, NVL sẽ tiếp tục tái cấu trúc tài chính, tập trung tháo gỡ pháp lý, hoàn thiện các sản phẩm, các dự án còn dang dở để tiếp tục bàn giao cho khách hàng. Sự đồng hành của các nhà thầu, đối tác tài chính, sự giải quyết triệt để từ Chính phủ, cơ quan ban ngành lẫn sự sẻ chia của các khách hàng và nhà đầu tư sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn trên chặng đường sắp tới", ông Dennis Ng Teck Yow nói. 

Đại diện Novaland cũng cho biết trong thời gian tới đối với các dự án đã xây dựng hoàn thành hơn 50%, NVL sẽ tập trung triển khai để có thể bàn giao sản phẩm cho khách hàng dự kiến vào cuối năm 2024, nửa đầu năm 2025. Đối với dự án đã hoàn thiện hạ tầng, chưa hoàn thành 50% tiến độ xây dựng, CĐT sẽ tiếp tục triển khai xây dựng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng dự kiến vào năm 2026. 

Trong đó, tại cụm dự án tại TP Hồ Chí Minh hiện DN này vẫn đang chờ đợi kết luận từ UBND TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ những khó khăn pháp lý tại dự án như: chung cư 100 Cô Giang (The Grand Manhattan), Dự án 32ha Bình Khánh (The Water Bay và Dự án 136ha Thạnh Mỹ Lợi. Đây là các dự án mà DN cam kết nghiêm túc sẽ bố trí đầy đủ diện tích cho nhà ở xã hội và phần tái định cư. 

Trong đó, dự án The Grand Manhattan 100 Cô Giang đã hoàn tất bàn giao phần tái định cư, phần còn lại đã tiến hành cất nóc. Dự án Khu Dân cư Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức cũng đang chờ việc xem xét, hướng dẫn để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án (hiện chỉ còn khoảng 8%) và cho phép được triển khai trước khu tái định cư và xin gia hạn tiến độ xây dựng dự án này. 

Áp lực đè nặng, nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách “gỡ khó” - Ảnh 3.

Công nhân đang xây dựng tại một công trình nhà ở cao cấp.

Vừa qua, Công ty cổ phần tập đoàn Đất Xanh cũng gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh phương án sử dụng vốn thu được từ phương án chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu với giá trị 1.220 tỷ đồng. 

Theo đó, DN dự kiến sẽ dành 1.118, 5 tỷ đồng để bổ sung vốn cho một công ty con của tập đoàn này. Đồng thời dự kiến dành trên 101,5 tỷ đồng để  thanh toán thuế và chi phí hoạt động của công ty CP tập đoàn Đất Xanh. 

Được biết, báo cáo tài chính của Đất Xanh trong quý 1/2024 cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế của DN này đã chuyển từ lỗ trong quý 1/2023 sang lãi ở quý 1/2024 do tăng thu nhập từ cổ tức thu được từ các công ty con và những nỗ lực trong việc kiển soát chi phí doanh nghiệp. 

Áp lực đè nặng, nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách “gỡ khó” - Ảnh 4.

Một dự án BĐS tại TP Hồ Chí Minh.

"Cần thiết thì thà bán lỗ còn hơn vay lời"

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc doanh nghiệp BĐS cần làm gì trong bối cảnh áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2024 vẫn còn nhiều áp lực, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Năm 2024 còn là một năm mà áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp rất lớn, chỉ thua năm 2023 nhưng vẫn còn ở mức độ rất cao, đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp. 

Nhiều DN cũng đang gặp khó khăn. Lúc này, DN phải tự thấy trách nhiệm của mình bởi vì đây là áp lực mà DN tự mình tạo ra chứ không phải do Nhà nước. Lúc này,  cần phải tái cấu trúc DN, tái cấu trúc đầu tư và cần phải cơ cấu lại danh mục đầu tư của chính mình. 

Nếu có 10 dự án thì dự án nào dài hơi thì DN có thể quyết định giữ lại để đầu tư, dự án nào phải hợp tác, dự án nào phải bán đứt và phải bán đứt bằng mọi giá tức là bán lỗ cũng bán. Thậm chí trong trường hợp này thì thà bán lỗ còn hơn vay lời.  

Áp lực đè nặng, nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách “gỡ khó” - Ảnh 5.

Dự án Vung Tau Centre Point tại TP. Vũng Tàu.

Lúc này là phải linh hoạt, vì trong kinh tế học có lúc doanh nghiệp sẽ phải ăn vào tài sản cố định của chính mình. Hiện nay đối với các DN, điều lớn nhất đó là thực hiện lợi ích hài hòa giữa tất cả các chủ thể có liên quan. Doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ muốn thắng là không nên, lúc này phải chấp nhận cả bán lỗ, chấp nhận cả khuyến mãi. 

Đối với những dự án đã bán trước đây, DN nên thực hiện khuyến mãi và chiết khấu còn với những dự án mới thì nên nghiên cứu bán với giá thấp hơn. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước