Tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, gần đây, ngày càng có nhiều bà con dân tộc HMông không yên phận với cái nghèo, mạnh dạn vay vốn chính sách để đầu tư sản xuất, khắc phục điều kiện khó làm kinh tế ở vùng cao.
Không bỏ phí đất cho cỏ dại mà trồng cỏ lấy thức ăn nuôi bò, một việc ông Tính ở thôn Thống Nhất, xã Đông Hà, mới bắt tay làm 3 năm nay. Bắt đầu là do nể tổ vay vốn của thôn vận động ông vay 30 triệu đồng lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò hướng dẫn ông cách nuôi hiệu quả.
Còn chị Dính (người HMông) ở xã Lùng Tám, từ khi dám vay 25 triệu đồng nguồn vốn chính sách cho hộ nghèo, chị đầu tư trồng lanh, mua khung dệt vải lanh. Từ chỗ thiếu ăn, nhà chị dư tiền bán lanh để mua thêm bò, lợn về nuôi, mua thêm vải thêu túi, áo để bán. Sau 3 năm vay vốn, chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Chị Dính, ông Tính nằm trong số 7.000 hộ dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang hiện đang vay vốn chính sách và đầu tư sản xuất có lãi, không nợ quá hạn.
Thực tế trên cho thấy, dưới sự sát sao của các hội, đoàn thể thôn bản tại vùng đồng bào dân tộc ít người, hiện hiếm còn người vay ngân hàng chính sách để chi tiêu phung phí như những năm trở về trước. Tư duy vay vốn chính sách của bà con dân tộc ít người đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cũng chính vì sự thay đổi tư duy này mà tổng dư nợ ngân hàng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vay cũng tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2009, bà con mới vay khoảng 40 tỷ đồng, nhưng năm 2017 này, số tiền bà con vay để sản xuất đã cao hơn nhiều, lên 66 tỷ đồng. Bà con cũng sản xuất hiệu quả và trả nợ rất đúng hạn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 10 - 15% hộ dân tộc ít người trong diện được vay vốn chính sách nhưng chưa vay. Điều này đặt ra một yêu cầu là cần tập trung lực lượng tiếp tục vận động bà con vay và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!