Bài toán kinh tế của đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 02/08/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tiềm năng lớn đến từ thị trường gần 400 triệu dân nhưng trước đây, có những hãng đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Vậy làm sao để hiện thực hóa giấc mơ hơn 10 năm còn dang dở?

Mở đường bay thẳng tới Mỹ được xem là một trong những mục tiêu chiến lược của các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã chính thức cấp chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam đầu năm 2019.

Với hơn 300 triệu dân, Mỹ được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài cơ hội và tiềm năng, việc khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ về nhiều mặt.

Chiều 1/8, tại Tọa đàm: "Bay thẳng Việt - Mỹ, chờ ngày cất cánh", lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định sẽ có thể mở chuyến bay thẳng giữa Việt Nam - Mỹ đầu tiên vào Quý IV/2020. Vị đại diện này cũng đã tiết lộ những con số về giá vé và hiệu quả kinh tế của đường bay này.

Trong trường hợp chưa nhận được tàu bay mới, Bamboo Airways sẽ thuê 1 tàu bay Boeing 787 - 9 với chi phí 1 triệu USD/tháng, tương đương 23 tỷ đồng. dự kiến tổng chi phí mỗi tháng là 113 tỷ đồng.

Với mức giá vé dự kiến là 1.100 USD khứ hồi, mỗi chuyến phục vụ 240 khách, hãng này sẽ lỗ 14 tỷ đồng. Còn khi tăng giá vé thêm 200 USD nữa, hãng sẽ lãi 8,4 tỷ đồng/tháng. Còn với dòng tàu bay Airbus A350, với 280 ghế có giá bán 1.300 USD, lãi thu được sẽ là 28 tỷ đồng/tháng.

Tiềm năng đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ

Theo tính toán của lãnh đạo Bamboo Airways, đường bay thẳng Việt - Mỹ hoàn toàn khả thi và có lãi. Dự kiến, khách hàng mà hãng này hướng tới là 2 triệu Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ. Bên cạnh đó, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ đạt trên 700.000 lượt hành khách, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 đạt trên 8%/năm cũng là căn cứ để hãng này triển khai đường bay.

Trong buổi Hội thảo chiều 1/8, hầu hết các ý kiến đều khẳng định về một tiềm năng rất lớn từ thị trường này. Máy bay muốn cất cánh đòi hỏi một đường băng vững chắc. Với bệ đỡ là sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam, đường bay thẳng Việt - Mỹ được đánh giá có nhiều khả năng thành công.

Ngoài ra, đường bay thẳng Việt - Mỹ rất tiềm năng bởi các cơ hội sẽ không chỉ bó hẹp trong ranh giới của 2 quốc gia. Với việc thị trường ASEAN hiện chỉ có Singapore sở hữu đường bay thẳng tới Mỹ, hàng không Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để trở thành điểm đến mới trên bản đồ bay giữa khu vực và Mỹ.

Thách thức trong việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ

Hơn 10 năm trước, 2 hãng bay của Mỹ từng mở đường bay thẳng đến TP.HCM là United Airlines, Delta. Tuy nhiên, cả 2 hãng đều đã đóng tuyến này 5 năm sau đó vì lý doanh thu.

Còn với các hãng hàng không trong nước thì sao? Thực tế, anh cả của hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines cũng đã có hơn 10 năm nghiên cứu đê hiện thực hóa giấc mơ bay thẳng Việt - Mỹ nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai. Lãnh đạo Vietnam Airlines đã từng chia sẻ, có nhiều lý do khiến hãng này chưa thiết lập đường bay thẳng này.

Thứ nhất, với các dòng máy bay hiện nay, nếu bay đủ tải sẽ không đủ nhiên liệu để bay thẳng tới Mỹ. Do đó, để bay được phải cần có một dòng máy bay phù hợp.

Thứ hai, nếu có bay thì theo tính toán, đường bay thẳng này sẽ phải mất 5 năm mới hòa được vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm.

Như vậy, đường bay thẳng Việt - Mỹ đầy tiềm năng và đương nhiên không ít thách thức. Trong buổi hội thảo chiều 1/8, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, những tính toán hiện nay mới chỉ là sơ bộ ở điều kiện lý tưởng, còn muốn thực hiện sẽ cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe không chỉ về năng lực tài tài chính, quản trị mà còn một loạt các vấn đề khác.

Bên cạnh những thách thức trên, thời điểm này, dù Cục hàng không Việt Nam đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 nhưng đây chưa phải là "chiếc chìa khóa vạn năng" mà sẽ cần thêm nhiều thủ tục khác để thực hiện đường bay thẳng giữa 2 nước. Ngoài ra, các hãng hàng không phải chuẩn bị phương án tài chính để bù lỗ cho giai đoạn đầu khai thác.

Áp lực đối với ngành hàng không Việt Nam Áp lực đối với ngành hàng không Việt Nam

VTV.vn - Tính đến cuối năm nay, tổng số máy bay của Việt Nam sẽ lên tới gần 280 chiếc. Con số này vượt quá năng lực nhân sự giám sát của Cục Hàng không.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước