Bài toán nợ công ở các nước đang phát triển

Đức Cường-Thứ ba, ngày 31/08/2021 07:31 GMT+7

VTV.vn - Kể từ khi bùng phát hồi năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, buộc chính phủ các nước phải triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ.

Tổng cộng đã có 16.000 tỷ USD được chi ra kể từ năm ngoái tới nay.

Việc chi mạnh tay trong khi nguồn thu sụt giảm, đồng nghĩa với việc chính phủ các nước sẽ phải vay nợ nhiều hơn. Với các nước đang phát triển, các khoản vay chủ yếu là bằng ngoại tệ và dư nợ đã đạt mức kỷ lục 8.600 tỷ USD trong năm ngoái.

Điều này đang tạo ra một gánh nặng lớn và được dự báo sẽ mang lại nhiều rủi ro cho các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bài toán nợ công ở các nước đang phát triển - Ảnh 1.

Từ châu Á đến châu Phi, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ đã bắt đầu hiển hiện. Dư nợ bằng ngoại tệ của các nước đang phát triển vào cuối năm 2020 đã đạt con số kỷ lục 8,6 nghìn tỷ USD. Khi các nước phát triển khôi phục tăng trưởng kinh tế từ giữa năm 2021 nhờ chiến dịch tiêm chủng, lãi suất huy động vốn trên thị trường toàn cầu cũng tăng theo, dẫn đến tiền trả lãi tăng mạnh.

Theo các nhà phân tích viện nghiên cứu Brooking, có đến 108 nền kinh tế đang phát triển nằm trong diện rủi ro tài chính cao. Những nước này chiếm hơn một nửa tổng số nợ phải trả trong giai đoạn 2021-2022.

Giáo sư Fujmoto Koji, trường đại học Takushoku, Nhật Bản, cho biết: "Nhiều nước phải vay nợ để đối phó với COVID-19, qua đó đẩy tỷ lệ nợ trên GDP ví dụ từ 50% lên đến 70 thậm chí 80% chỉ trong thời gian ngắn. Chi phí vay nợ tuy rất lớn, nhưng bắt buộc phải làm. Câu hỏi đặt ra là sau đó làm thế nào để trả được nợ? Làm sao để đưa tỷ lệ nợ về mức trước đại dịch?".

Bài toán nợ công ở các nước đang phát triển - Ảnh 2.

Theo giáo sư Fujimoto, cách làm phổ biến nhất là tăng thuế và cắt giảm các gói chi tiêu công như giáo dục, y tế, lương hưu để trả nợ, đồng thời dự báo nhiều quốc gia đang phát triển sẽ thực hiện theo hình thức này trong những năm tới. Tuy nhiên, cách làm này sẽ tác động xấu đến triển vọng tăng trưởng.

Giáo sư Fujmoto Koji cho biết thêm: "Cách làm tốt nhất là tận dụng triệt để các khoản cho vay ưu đãi như ODA và thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam là một trường hợp có sức đề kháng mạnh hơn với Covid-19 nhờ tỷ lệ dân số trẻ làm việc trong lĩnh vực sản xuất".

Liên hợp quốc dự báo, chỉ tính riêng trong năm ngoái và năm nay, nhóm nước đang phát triển sẽ phải thanh toán khoảng 2,6 đến 3,4 nghìn tỷ USD nợ nước ngoài của mình và gánh nặng tài chính này sẽ còn tiếp tục đè nặng lên ngân sách các nước trong những năm tới. Điều này cũng có thể là rào cản lớn, ngăn cản nhiều quốc gia tiếp cận thị trường vốn quốc tế, yếu tố rất cần thiết để phục hồi nền kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước