Không trực tiếp bán mà phải ký gửi thông qua các vựa tiêu thụ, hầu như nhà vườn trồng hoa nào ở Đà Lạt cũng phải chấp nhận dạng thức mua bán này. Và lẽ đương nhiên, nông dân luôn chịu thiệt.
Người trồng hoa không quyết định được giá cả, trong khi giá bán hoa theo dạng ký gửi có minh bạch hay không. Ở vùng trồng hoa lớn nhất nước - Đà Lạt, cho đến lúc này, khâu tiêu thụ luôn khiến cho người trồng hoa lo lắng và bức xúc.
Không biết mặt nhau, vậy mà các nhà vườn vẫn gửi toàn bộ số hoa làm ra cho vựa tiêu thụ. Chỉ đến khi bán được hàng, vựa mới báo cho nhà vườn giá bán và chuyển tiền bán hoa. Đây là kiểu bán hàng ký gửi vốn rất quen thuộc đối với các nhà vườn trồng hoa ở Đà Lạt. Nông dân không quyết định giá bán và cũng không có cách nào để kiểm chứng giá bán thực tế tại các chợ hoa.
Biết là chịu nhiều thiệt thòi, dễ gặp rủi ro nhưng, nếu không bán hoa theo dạng ký gửi, nông dân không còn cách nào khác để tiêu thụ. Theo ước tính, mỗi năm, vùng trồng hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận, cung ứng ra thị trường 5 tỷ cành hoa. Nhưng, lượng hoa mà nông dân trực tiếp bán chiếm chưa quá 1/3, nghĩa là đa phần phải bán theo dạng ký gửi.
Sẽ không còn kiểu bán hoa ký gửi nếu như Đà Lạt hình thành chợ đầu mối tiêu thụ hoa. Khi đó, giá bán hoa sẽ minh bạch, tỷ lệ chiết khấu cho người tổ chức tiêu thụ cũng sẽ được công khai. Thế nhưng, đến lúc này, chợ đầu mối hoa Đà Lạt vẫn còn đang trong giai đoạn triển khai, nghĩa là sẽ vẫn còn kéo dài lối tiêu thụ mặt hàng hoa đầy mập mờ, bấp bênh và rủi ro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!