Bán khống, giao dịch trong ngày: Thị trường chứng khoán chuẩn bị có cú "chuyển mình" ngoạn mục

Hoàng Nam-Thứ tư, ngày 26/08/2020 10:57 GMT+7

VTV.vn - Liệu giao dịch trong ngày (T+0), bán khống…, những câu chuyện đã bàn mãi từ nhiều năm nay có sớm trở thành hiện thực với Thông tư mới?

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng điểm 3 phiên liên tiếp (21 - 25/8) với giao dịch sôi động trở lại. Tuy nhiên, điều đang làm thị trường "nóng" không kém là những quy định mới trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Ngắt mạch thị trường

Dự thảo thông tư định nghĩa: Ngắt mạch thị trường (circuit breaker) là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán.

Bộ Tài chính cho biết sở giao dịch chứng khoán sẽ quy định cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

"Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, UBCKNN quyết định việc áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường và/hoặc cơ chế biên độ dao động giá", dự thảo thông tư nêu.

Dù vẫn là khái niệm mới tại Việt Nam. Ở quốc tế việc hệ thống tự động ngắt mạch giao dịch khi giá chứng khoán giảm quá ngưỡng cho phép đã được áp dụng khá phổ biến. Tại Mỹ, khi mức giảm của các chỉ số chạm 7%, hệ thống sẽ kích hoạt cơ chế ngắt mạch cấp độ 1. Hai cấp độ kế tiếp được thiết lập ở mốc 13% và 20%. Ở cấp độ 2, thời gian dừng giao dịch vẫn là 15 phút. Nhưng nếu chạm ngưỡng cấp độ 3, chứng khoán Mỹ sẽ dừng cả phiên giao dịch.

15 tuổi được phép đầu tư chứng khoán

Bán khống, giao dịch trong ngày: Thị trường chứng khoán chuẩn bị có cú chuyển mình ngoạn mục - Ảnh 1.

Điểm đáng chú ý thứ hai là nhà đầu tư cá nhân đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được phép mở tài khoản giao dịch chứng khoán nhưng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Trước đó, Thông tư 203/2015/TT-BTC không quy định về độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán. Thông tư quy định nhà đầu tư mở chứng khoán chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin nhận biết khách hàng khi mở tài khoản giao dịch. Tuy vậy, các công ty chứng khoán thường quy định độ tuổi tối thiểu để mở tài khoản giao dịch là 18.

Việc nới độ tuổi có thể mang thêm "làn gió" đầu tư mới cho thị trường, tăng cường khả năng đạt mục tiêu 5% người dân có tài khoản chứng khoán đến năm 2025 theo Đề án của Chính phủ, hiện nay con số này mới chỉ vào khoảng 3%. Đợt sụt giảm về đáy 660 điểm của VN-INDEX cũng đã thu hút được 1 thế hệ nhà đầu tư trẻ có kiến thức, chịu khó tìm hiểu và có tầm nhìn dài hạn. Theo chia sẻ của nhiều môi giới, các nhà đầu tư càng trẻ càng không đặt nặng khái niệm về tiết kiệm, gửi ngân hàng hay trữ vàng cho tuổi già… Đối với họ, các kênh đầu tư mang tới nhiều giá trị trải nghiệm mới là đích hướng tới.

Giao dịch trong ngày và giao dịch bán khống

Dự thảo cũng bổ sung quy định về cơ chế bán khống và cơ chế giao dịch trong ngày.

Theo đó, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.

Ngoài việc hình thành cơ chế, nút thắt cần gỡ để các giao dịch kể trên đi vào hoạt động là nền tảng công nghệ. Theo chia sẻ của Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, đáng nhẽ nền tảng công nghệ mới đã có thể đi vào hoạt động năm nay nhưng dịch Covid-19 khiến nhiều chuyên gia quốc tế không thể sang thực hiện kiểm thử. Dự kiến năm sau, hệ thống công nghệ có thể đi vào hoạt động.

"Chúng ta bàn đi bàn lại mãi về giao dịch trong ngày (day trading), về rút ngắn chu kỳ thanh toán, về giảm tỷ trọng ký quỹ (pre-funding). Hiện nay, chúng ta phải ký quỹ 100%. Tôi xin đảm bảo, sau khi hệ thống CCP (đối tác bù trừ trung tâm) của VSD đi vào vận hành, trên nền tảng công nghệ mới, sẽ cho phép chúng ta không còn ký quỹ 100% khi giao dịch thị trường cơ sở nữa mà chỉ cần ký quỹ 10-20% như TTCK phái sinh. Đây là câu chuyện bị đọng mãi khi bàn đến nâng hạng thị trường", Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chia sẻ mới đây.

Chủ tịch VSD cho biết cơ quan này đang cùng với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam theo Luật Chứng khoán mới, hoạt động từ năm 2021. Đồng thời sẽ cấp vốn cho VSD lập công ty con là CCP, cấp cho công ty này một lượng tài sản để tự chịu rủi ro theo quy luật của thị trường.

Ông Lê Hải Trà, Phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HSX) đánh giá những thay đổi về mặt pháp lý cùng hệ thống công nghệ mới sẽ tạo nên cú Big Bang của TTCK Việt Nam, thanh khoản TTCK qua đó có thể tăng lên gấp đôi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước