Bán lẻ xa xỉ sống tốt trong mùa dịch

Thuỳ An-Chủ nhật, ngày 20/06/2021 07:09 GMT+7

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters

VTV.vn - Dưới tác động của dịch COVID-19, hiện nay khách hàng tại Việt Nam chủ yếu mua sắm các đồ dùng xa xỉ trong nước, thay vì đi sang các thị trường khác.

Không nhạy cảm về giá

Theo báo cáo mới công bố từ Savills, tại Việt Nam, ngành bán lẻ dưới tác động của dịch bệnh đã chứng kiến nhiều cửa hàng và các nhà bán lẻ lớn buộc phải đóng cửa, đặc biệt là đối với các mặt hàng có mức độ nhạy cảm về giá cao. Song bán lẻ cao cấp tại Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có hoạt động tốt, với việc các thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng và gia nhập.

“Đối với ngành hàng xa xỉ, sự nhạy cảm về giá của người mua là khá thấp. Thương hiệu vẫn có thể tăng giá 10 - 20% mà vẫn có khách hàng muốn sở hữu. Việc tăng giá sản phẩm của các thương hiệu xa xỉ thường không ảnh hưởng trực tiếp lên quyết định mua hàng bởi khách hàng của họ sẵn sàng và luôn có khả năng mua”, Giám đốc Savills Hà Nội - Matthew Powell cho biết.

Cũng theo ông Matthew Powell, khách hàng trong ngành xa xỉ có quá trình quyết định mua sắm khác biệt, coi trọng tương tác trực tiếp giữa khách hàng và thương hiệu. Họ muốn đến cửa hàng, trao đổi cùng nhân viên tại đó và trực tiếp trải nghiệm sản phẩm cũng như những dịch vụ mà thương hiệu cung cấp. Đáng chú ý, các nhãn hàng xa xỉ thường lựa chọn mặt bằng kinh doanh là các vị trí đắc địa và trung tâm tại các đô thị lớn. 

“Ví dụ như địa điểm mới của Dior và Louis Vuitton tại dự án International Centre trên phố Tràng Tiền ở trung tâm Hà Nội. Những vị trí này thường khá bắt mắt, phù hợp với hình ảnh cao cấp của thương hiệu”, ông Matthew Powell nói.

Bán lẻ xa xỉ sống tốt trong mùa dịch - Ảnh 1.

Theo Savills, bán lẻ cao cấp tại Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có hoạt động tốt (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters)

Tầng lớp trung lưu ngày một lớn

Bên cạnh sự khác biệt trong quyết định mua hàng, theo Savills, sự hạn chế du lịch cũng là một lý do khiến thị trường bán lẻ xa xỉ Việt Nam khả quan trong mùa dịch. Theo đó, hiện khách hàng tại Việt Nam chủ yếu mua sắm các đồ dùng xa xỉ trong nước, thay vì đi sang các thị trường khác như  London, Paris hoặc Singapore.

Ngoài ra, việc thu nhập bình quân của Việt Nam những năm vừa qua đã tăng rõ rệt, đi kèm với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu, đã mở rộng thêm thị trường mục tiêu của các hãng. 

“Chúng ta có thể dễ thấy sự phát triển đi lên của thị trường bán lẻ Việt Nam, lấy ví dụ có các cửa hàng Uniqlo, Zara lần lượt gia nhập thị trường. Những thương hiệu thời trang này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng tại các phân khúc khác nhau. Một cửa hàng Uniqlo có thể rộng trên 5.000 m2 và đáp ứng đầy đủ các loại thời trang từ trẻ em đến người lớn, nam và nữ”, ông Matthew Powell nhận định.

Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính vào năm 2030, tầng lớp trung lưu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng thêm 1,5 tỷ người, chiếm 66% số người thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu. Các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines và Việt Nam sẽ sở hữu hàng triệu công dân có khả năng tài chính và nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước