Dù đã chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu trong bộ tiêu chí đánh giá an toàn để hoạt động trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể sản xuất do thiếu lao động. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong buổi tọa đàm trực tuyến do báo Người lao động tổ chức, diễn ra vào chiều 1/10, với chủ đề "Nguồn nhân lực lao động cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận".
Hầu hết các đại biểu cho rằng, vaccine là giải pháp tốt nhất để phục hồi thị trường lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vaccine đầy đủ. Chưa kể, một số lượng không nhỏ người lao động đang sinh sống ở các khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được tiêm vaccine mũi 2 dù đã đủ thời gian quy định.
Khảo sát tại 300 doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ phụ trợ tại TP Hồ Chí Minh, chỉ 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi mở cửa do chưa cảm thấy an tâm về các chế độ chính sách chăm sóc sức khỏe hiện tại.
Nhiều doanh nghiệp chưa thể sản xuất do thiếu lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Các ban, ngành thành phố nên phối hợp với doanh nghiệp giữ chân người lao động hiện đang ở thành phố. Sau đợt giãn cách này, trong công ty, nhà máy cần có phòng y tế, có bình oxy, máy đo SPO2, xét nghiệm tại chỗ định kỳ hoặc bất kỳ phản ứng nào mang tính có dịch đối với người lao động. Đặc biệt cần có tủ thuốc trị COVID-19 khi có F0", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Trần Việt Anh nêu ý kiến.
"Phải xây dựng ký túc xá, các khu trọ phù hợp với đặc điểm, văn hóa vùng miền để cho công nhân ở, làm sao để họ gắn bó với khu công nghiệp", Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết.
Dù các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ đáp ứng đầy đủ chi trả tiền lương, phúc lợi xã hội cho công nhân khi quay trở lại làm việc, nhưng điều này là chưa đủ để người lao động quay trở lại làm việc một cách thuận lợi, dễ dàng. Chỉ tính riêng Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000 - 50.000 lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!