Bảo hiểm xã hội đứng trước nguy cơ mất cân bằng thu - chi

Trung Hậu-Thứ hai, ngày 15/09/2014 21:09 GMT+7

Các đại biểu dự Hội thảo (Ảnh: ĐCSVN)

Tình trạng nợ đọng, chậm nộp tiền BHXH đã diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương, khiến quỹ bảo hiểm xã hội đứng trước nguy cơ mất cân bằng thu - chi.

Đây là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với cơ quan BHXH Việt Nam tổ chức sáng nay (15/9) tại Hà Nội.

Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có đến 54.000 doanh nghiệp còn nợ quỹ BHXH với tổng số tiền là hơn 11.600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, hơn 700.000 người lao động trên cả nước đang bị các doanh nghiệp, các chủ sở hữu lao động vi phạm quyền lợi, trong đó có tới 26.000 lao động sẽ không có cơ hội được giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội vì rất nhiều các doanh nghiệp nợ đọng quỹ BHXH hiện đã phá sản.

TS Đỗ Văn Sinh, Phó TGĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do chế tài xử phạt hiện còn rất thấp. Hiện nay theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm pháp luật của người chủ lao động dù nợ quỹ BHXH lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ bị xử phạt tối đa là 75 triệu đồng và phải nộp thêm một khoản lãi chậm đóng chỉ bằng lãi suất đầu tư của quỹ BHXH, bằng lãi suất huy động. Do đó, doanh nghiệp sẽ cố tình chiếm dụng số tiền đó, họ thà chiếm dụng còn hơn phải đi vay ngân hàng rất khó khăn”.

Cũng theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quỹ BHXH đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng thu - chi. Theo ước tính, nếu không có các giải pháp hữu hiệu thì đến năm 2037 quỹ sẽ mất khả năng thanh toán. Một trong những nguyên nhân chính được cho là do mức đóng bảo hiểm của người lao động hiện chưa tương xứng với mức hưởng.

Theo kiến nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một trong những chế tài quan trọng nhất mà sắp tới sẽ đưa ra, đó là hành vi trốn đóng BHXH sẽ được coi là một tội và cần phải được luật hóa trong luật hình sự, không chỉ đóng phạt vi phạm hành chính ở mức tối đa là 75 triệu đồng. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng, chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, cũng như giảm nguy cơ mất cân bằng thu - chi của quỹ trong tương lai.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước