Bảo hiểm xã hội - "Tấm thẻ" an sinh vững chắc khi về già

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 08/06/2022 19:53 GMT+7

VTV.vn - Các địa phương đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đây là "tấm thẻ" an sinh vững chắc cho người dân khi về già.

Lo lương hưu cho chính mình

Cả nước có khoảng 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Dù vượt gần 2% so với chỉ tiêu được giao với nỗ lực của cơ quan BHXH nhưng vẫn còn hàng chục triệu lao động chưa hiểu hết được giá trị khi có lương hưu.

Giả định người lao động lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất 297 nghìn đồng/tháng thì tổng số tiền đóng BHXH trong 20 năm (trong đó được Nhà nước hỗ trợ 10 năm) là khoảng 75,2 triệu đồng. Dự kiến người tham gia có thể hưởng chế độ hưu trí trong 20 năm thì lao động nam có thể hưởng tới 622 triệu đồng, lao động nữ tới gần 739 triệu đồng, trong đó gồm lương hưu hàng tháng, BHYT và trợ cấp tử tuất.

Bảo hiểm xã hội - Tấm thẻ an sinh vững chắc khi về già - Ảnh 1.

Người lao động đến giải quyết chế độ tại một cơ quan bảo hiểm xã hội. Ảnh: TTXVN.

Thay đổi nhận thức đó là cách mà BHXH tỉnh Quảng Bình đang thực hiện, để người dân biết được sự cần thiết phải lo lương hưu cho chính mình. Tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, hai năm dịch bệnh, thu nhập của người dân tại đây bấp bênh nhưng có nhiều người dân vẫn lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Có những người trên 50 tuổi và cả những lao động từng tham gia BHXH bắt buộc.

Nông dân, ngư dân, lao động tự do ở xứ đạo Quảng Phú cũng đang dần quen với viễn cảnh khi già - họ có lượng hưu. Cùng với chính quyền địa phương, các đoàn thể, cơ quan BHXH tại đây còn được kết nối với giáo sứ tổ chức tuyên truyền, vận động giáo dân tham gia, tập trung vào các gia đình có thu nhập ổn định...

Để mở rộng diện bao phủ an sinh tại những vùng khó khăn, BHXH các địa phương đã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn được tham gia vào lưới an sinh này.

Bảo hiểm xã hội là an sinh tuổi già

Việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế về với người dân vùng khó khăn không dễ thực hiện. Một cách làm hay đang được thực hiện ở nhiều địa phương đó là tổ chức đại lý thu BHXH tại các địa bàn giao cho chị em phụ nữ quản lý.

Là "tay hòm, chìa khóa" trong mỗi gia đình, là chị em xóm giềng - họ là những người gần gũi vận động và phát triển nhanh, hiệu quả nhất BHXH tự nguyện trong cộng đồng.

Tại xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, hàng ngày bà Loan (Đại lý Bảo hiểm xã hội xã Hoa Thủy) không ngại nắng, ngại gió cần mẫn theo lịch hẹn đến từng nhà, hoặc đội nắng ra đồng để trò chuyện về chuyện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với từng chị em.

Hiểu chính sách chính sách, hiểu tình cảnh của từng nhà giúp bà dễ nhập cuộc khi thuyết phục họ tham gia BHXH tự nguyện.

Nhiều lần được chị Loan tư vấn, bà Phiên (thôn Xuân Bắc 3, Hoa Thủy) đã cân đối thu nhập trong nhà mỗi tháng dành một khoản để đóng bảo hiểm tự nguyện cho con mình.

Chống mất sớm, một mình chị Mai vất vả nuôi 2 con. Dù chưa thoát nghèo nhưng chị cũng quyết định tham gia bảo hiểm tự nguyện, tự lo cho mình để về già không phụ thuộc vào con cái.

Hoa Thủy là xã khó khăn vùng cát ven biển. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh, người già cơ bản sống nhờ con, cháu. Từ khi chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được triển khai, Đảng ủy, chính quyền xã xác định đây là kênh an sinh quan trọng cho người dân khi về già hoặc khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Hiện xã Hoa Thủy có hơn 370 người tham gia bảo hiểm tự nguyện tương đương 10% lực lượng lao động trong độ tuổi trong xã, cao gấp hơn 4 lần mức trung bình chung của cả nước và hơn 2.000 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Bảo hiểm xã hội - Tấm thẻ an sinh vững chắc khi về già - Ảnh 2.

Bảo hiểm xã hội là "tấm thẻ" an sinh vững chắc khi về già. Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)

Bảo hiểm xã hội - Điểm tựa của bạn và gia đình

"Bảo hiểm xã hội - Điểm tựa của bạn và gia đình" là thông điệp đang được truyền thông mạnh mẽ để người dân, lao động tự do, kể cả các hộ nghèo hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia. Mỗi người có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội với hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện, hướng tới một tuổi già có lương hưu, an nhàn và không phụ thuộc.

Với bà Vân - một giáo viên nghỉ hưu 7 năm thì cuộc sống hiện tại hoàn toàn là hưu nhàn. Hàng ngày, bà nuôi chim, chăm vườn hoa ... và cứ vài tháng lại cùng bạn bè đi du lịch. Về hưu vẫn có BHYT, tháng lĩnh lương hưu hơn 8 triệu đồng, bà hoàn toàn thoải mái chi tiêu khi đã hơn 60 tuổi.

Còn với những người nông dân, lao động tự do cũng có thể tự lo lương hưu cho mình đó là tham gia BHXH tự nguyện. Với nhiều lao động, chỉ 1 ngày công khoảng 300 nghìn đồng để dành là đủ mức đóng 1 tháng bảo hiểm.

Không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa sẽ khiến nhiều lao động tự do sẽ phải đối mặt với rủi ro trong cuộc sống khi tuổi cao sức yếu. Vì vậy, lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp mọi người sau này có một tấm thẻ anh sinh với lương hưu hàng tháng và có thẻ BHYT đề phòng khi đau ốm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước