Hiệp hội ngành công nghiệp xe máy châu Á - FAMI đã có những tờ rơi để cảnh báo về việc sử dụng các phụ tùng xe máy giả. Thế nhưng với những phụ tùng xe máy giả giống thật đến 8,9 phần thì thật khó cho người tiêu dùng, nhất là khi đại lý chính hãng mà câu kết với các đối tượng buôn hàng giả thì người tiêu dùng chắc chắn không phân biệt được.
Thiệt hại về kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi thế nhưng sự đe dọa lớn nhất vẫn là sự an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng các phụ tùng xe máy giả khi tham gia giao thông. Vì thế thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra mặt hàng này.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết: "Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã cùng Cục QLTT của 63 tỉnh thành lên phương án để tổng kiểm tra toàn bộ phụ tùng xe bởi đây là các sản phẩm bị làm giả nhiều nhất".
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nói: "Nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm sở hữu trí tuệ không làm đến nơi đến chốn. Họ chỉ dừng lại ở bước la lên, rồi cơ quan chức năng đến lập biên bản, trong khi đó, các đối tượng thu làm hàng giả thu được món lợi nhuận khổng lồ. Do đó, hành vi làm giả, làm nhái lại tiếp tục diễn ra. Luật pháp quy định rất rõ, thậm chí đến cả phí luật sư cũng là do bên bị đơn trả cho doanh nghiệp. Nhiều chỗ làm giả bị kiện, phải bồi thường đến phá sản, lúc đó họ mới sợ, mới không thực hiện nữa".
Các chuyên gia cũng cho biết, hiện những quy định, chế tài liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam gần như tương thích với luật pháp Quốc tế, vì thế, các thương hiệu lớn dù là của quốc tế hay nội địa, nếu phát hiện bị xâm phạm, bị làm giả, làm nhái cần lên tiếng ngay để được xử lý triệt để và tạo sức răn đe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!